Sao có thể đứng ngoài cuộc
Bạn Quách Thiều Minh, sinh viên năm 6 Trường Đại học Y Dược TPHCM vừa kết thúc nhiệm vụ tình nguyện được 5 ngày. Hai người em của Thiều Minh (cùng học Trường Đại học Y Dược TPHCM) cũng vừa hoàn thành nhiệm vụ tình nguyện tham gia chống dịch để bắt đầu năm học mới.
Quách Thiều Minh cho biết, từ đầu tháng 6, khi dịch bệnh tái bùng phát mạnh ở thành phố, lực lượng y bác sĩ và nhân viên y tế được huy động tham gia chống dịch, cậu đã đăng ký tham gia. “Lúc ấy, tôi chỉ nghĩ mình được đào tạo về y khoa, có ý thức và kỹ năng để tham gia chống dịch”, Thiều Minh tâm sự về quyết định của mình. Ít ngày sau, hai em của Thiều Minh là Quách Gia Nghi (sinh viên năm 5) và Quách Minh Anh (sinh viên năm 2) cũng theo chân anh.
Bắt tay vào nhiệm vụ, mỗi người trong 3 anh em Thiều Minh cũng như hàng ngàn sinh viên y khoa khác đều phải đảm đương nhiều công việc. Khi thì tham gia truy vết, khi cùng lực lượng lấy mẫu xét nghiệm hoặc tham gia tiêm vaccine Covid-19... Mệt mỏi có, căng thẳng có khi phải làm việc với cường độ cao, làm việc suốt nhiều giờ trong bộ đồ bảo hộ nóng nực. Dù vậy, 3 anh em Thiều Minh vẫn luôn nỗ lực hết mình với niềm tin dịch bệnh sẽ sớm được khống chế.
Viết nên những câu chuyện đẹp
Khi TPHCM bắt đầu nới lỏng giãn cách, Thang Kiến Vinh, chiến sĩ dân quân thường trực Ban Chỉ huy quân sự phường 10 (quận 5) nhận được cuộc gọi của mẹ: “Bao giờ con về nhà?”. Vinh hiểu câu nói ấy của mẹ không phải trách cứ, mà xuất phát từ sự nhớ thương. Cũng phải, đã hơn 3 tháng, từ ngày tham gia hỗ trợ tại Bệnh viện dã chiến số 5 (quận 5), Vinh chưa một lần về thăm ba mẹ. Nhà cách nơi Vinh trú đóng chỉ ít phút chạy xe, nhưng ngày đăng ký tham gia tình nguyện, cậu đã quyết khi nào bệnh viện hết F0 thì mới về nhà.
Công việc hàng ngày của Vinh là hỗ trợ y bác sĩ vận chuyển bình oxy, đưa bệnh nhân trở nặng đến phòng cấp cứu. Có lúc Vinh là người phát cơm, chuyển đồ của người nhà gửi đến bệnh nhân, dọn rác tại các phòng… Ngay cả khi bản thân mắc Covid-19, Vinh vẫn tích cực tham gia công việc tại bệnh viện. Hơn 3 tháng trực tiếp tham gia tại tuyến đầu, Vinh thấu cảm được nỗi vất vả của các y bác sĩ, sự lo lắng, bất an của người bệnh nên khi được góp chút sức mình, Vinh thấy đó là điều hạnh phúc.
Trên một mặt trận khác, suốt thời gian dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng tại TPHCM, anh Trần Hữu Tài, Giám đốc Công ty dịch vụ Chăm sóc mẹ và bé (Care with love) âm thầm làm “người vận chuyển”. Một ngày của anh Tài luôn bắt đầu từ 6 giờ sáng với chiếc xe 7 chỗ được tháo hết ghế, đến các điểm tiếp nhận rau củ, trái cây, gạo, thịt, cá tươi… từ khắp nơi để chở về các bếp ăn từ thiện.
Sau khi từng phần cơm của nhóm “Việt Nam ơi cố lên!” được chia vào hộp, anh lại cùng đồng đội chuyển đến các khu phong tỏa, bệnh viện điều trị Covid-19. Không chỉ là người đưa cơm, chàng “shipper doanh nhân” còn chở thiết bị y tế, khẩu trang, đồ bảo hộ, tã cho người bệnh để tiếp sức tuyến đầu.
Trong lúc anh Tài rong ruổi khắp nơi với các chuyến xe thiện nguyện, thì vợ và ba mẹ của anh cũng góp tiền, góp sức mua thực phẩm gửi các bếp ăn, mua thuốc và tự tay vô từng túi để anh chở đến tặng người bệnh đang cần.
Còn vợ chồng Nguyễn Thị Tâm, cán bộ phường Hiệp Bình Chánh (TP Thủ Đức) và Lê Thanh Sang, Phó Bí thư Đoàn phường, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam phường Bến Nghé (quận 1), đã không ngần ngại gửi đứa con chưa dứt sữa mẹ cho ông bà để cùng tham gia phòng chống dịch. Suốt hơn 2 tháng, con ở với ông bà, vợ chồng chị ở hai nơi. Để xoa dịu nỗi nhớ con, Tâm dành hết thời gian, công sức cho nhiệm vụ. Dù phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm nhưng vợ chồng Tâm luôn động viên nhau cùng cố gắng.
Anh NGÔ MINH HẢI, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn TPHCM, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam TPHCM: |