Giao dịch tranh Việt trên sàn quốc tế

Chững lại để tìm đúng giá trị tự thân

Sau bức tranh Chân dung cô Phượng giữ mức giá 3,1 triệu USD vào tháng 4-2021, thị trường tranh Việt đến nay vẫn chưa thể phá kỷ lục này. Các phiên đấu giá vào cuối năm 2023 ghi nhận giá tranh Việt đã chậm lại vài nhịp, dù là tranh của các họa sĩ nổi tiếng từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương.

Một năm trầm lắng

Trong phiên đấu giá kỷ niệm 50 năm tại thị trường châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s (Hồng Công) vào đầu tháng 4-2023, bức tranh La famille dans le jardin (tạm dịch: Gia đình trong vườn) của họa sĩ Lê Phổ được gõ búa với giá hơn 2,3 triệu USD (sau thuế phí). Con số giao dịch này khiến nhiều người kỳ vọng sẽ mở ra những phiên đấu giá kỷ lục cho tranh Việt trong năm 2023, bởi đây cũng là kỷ lục thứ 2 về giá, chỉ sau Chân dung cô Phượng. Tuy nhiên, dù các phiên đấu giá có tranh Việt tại các sàn quốc tế vẫn diễn ra đều đặn trong năm 2023, nhưng những mức giá ước tính làm nên chuyện, lập kỷ lục mới... lại hoàn toàn không có.

i6a-9040.jpg
Khán giả tìm hiểu về hội họa tại Bảo tàng Nghệ thuật Quang San

Phiên đấu giá “Mỹ thuật Việt Nam” tại sàn Bonhams vào ngày 19-12-2023, khép lại một năm tương đối lặng lẽ của tranh Việt. Trong phiên đấu giá này, có những tác phẩm tuổi đời gần trăm năm của các họa sĩ người Pháp, là giáo viên giảng dạy tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương - thế hệ mở đầu cho hội họa Việt Nam, nhưng mức giá gõ búa cũng không quá sôi nổi, dù các tác phẩm này không chỉ có giá trị về mặt nghệ thuật hàn lâm, mà đó còn là dấu mốc của lịch sử hội họa trong nước, nhưng về giá trị thương mại... thì có lẽ chưa phải lúc.

Trước phiên đấu giá này, nhà Bonhams cũng chọn giải pháp đột phá và kích cầu khi chuyển hướng, lựa chọn gương mặt họa sĩ Việt Nam mới như đại diện kế tiếp những tên tuổi của lớp họa sĩ Đông Dương đã quá đình đám, giá trị thương mại đã ở mức độ cao. Nhiều nhà sưu tập trong nước khá ủng hộ hướng đi này của Bonhams, phân tích: “Việc Bonhams đưa sự đa dạng trong tên tuổi, phong cách hội họa và mức giá sẽ có nhiều cơ hội làm nên kỷ lục mới”... Tuy nhiên, thực tế khép lại năm 2023 vẫn không có giá tranh phá kỷ lục.

“Giờ vàng” đã tới

Tại phiên “Modern & Provencal Pantings” của nhà đấu giá Maison R&C vào tháng 12-2023, có 2 tác phẩm của Việt Nam được mong chờ trong phiên. Đó là Thiếu nữ uể oải của Lê Phổ (có giấy xác nhận quyền sở hữu do ông Alain Lê Kim, con trai Lê Phổ lập) và Hai thiếu nữ mặc áo dài của Nguyễn Khang. Tuy nhiên, thanh khoản tranh một lần nữa khiến nhiều nhà sưu tập chùn bước. Bức Thiếu nữ uể oải được bán trong phiên giao dịch vào tháng 7-2023 là hơn 21 tỷ đồng (bao gồm thuế phí) nhưng giá bán trong phiên “Modern & Provencal Pantings” chỉ đạt hơn 16 tỷ đồng (bao gồm thuế phí).

Nhiều nhà sưu tập và cố vấn đầu tư nghệ thuật nhận định, mức giá này đang phản ánh thực tế của thị trường tranh hiện nay. Nhiều nhà đầu tư có thể nhận biết được tranh một cách chính xác với các yếu tố quý - hiếm - giá trị cao, tranh thủ đấu giá cho bằng được, nhưng khi tác phẩm đã về tay thì không thể thanh khoản nổi, đặc biệt với những tác phẩm có giá trị càng lớn thì càng nhanh bỏ cuộc... Bởi khi thanh khoản lại với nhà đấu giá thì chắc chắn sẽ có giá thấp hơn giá gõ búa, còn tìm nhà sưu tập bên ngoài thì không mấy ai chịu xuống tiền. Việc này xảy ra khá thường xuyên, đến nỗi nhiều nhà đấu giá đã ra cảnh báo bằng văn bản cho các khách hàng của mình.

Nhà sưu tập Hoàng Anh Tuấn chia sẻ: “Việc tranh Đông Dương tăng giá mạnh có thể lý giải một phần là giới sưu tập hiện nay vẫn đang bị hút vào những tác phẩm hoặc tác giả có trị giá tác phẩm tăng nhanh. Thị trường hiện tại cho thấy đà chững lại qua các phiên đấu giá quốc tế về tranh Việt gần đây...”.

Dù bị xem là phải trải qua một năm khá trầm lắng trong các phiên giao dịch tác phẩm hội họa, nhưng theo nhiều giám đốc thị trường của các nhà đấu giá, đây lại là cơ hội tốt cho nhà sưu tập cũ lẫn người mới bước vào thị trường. Sự chững lại phản ánh đúng giá trị thực của tác phẩm, là “giờ vàng” để nhà sưu tập mới có thể mua tác phẩm với giá hợp lý.

Và sau tất cả những yếu tố quanh một phiên đấu giá như cách trình bày tác phẩm, tư vấn từ nhà đấu giá, cố vấn đầu tư nghệ thuật..., thì nhà sưu tập chính là nhân tố quyết định thị trường. Việc chững lại để tác phẩm Việt đi đúng giá trị tự thân và tăng ở mức xứng đáng, chứ không phải thổi phồng giá theo “cuộc chơi” của vài nhà sưu tập lớn.

Tin cùng chuyên mục