Chứng khoán và giá dầu giảm mạnh

Chứng khoán châu Á đồng loạt giảm giá vào ngày 17-7 cùng với sự sụt giảm mạnh của giá dầu thô trên thị trường năng lượng do tác động của cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ. 

 

Tuy nhiên, trước phiên điều trần đầu tiên trước Quốc hội Mỹ của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vẫn lạc quan về kinh tế Mỹ và thế giới.
Chứng khoán và giá dầu giảm mạnh ảnh 1 Chủ tịch FED Jerome Powell trong một phiên điều trần khi nhậm chức
 Ảnh hưởng do căng thẳng thương mại
Theo Reuters, chỉ số MSCI đối với cổ phiếu châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) giảm hơn 0,3% sau hai phiên tăng điểm. Cổ phiếu của Trung Quốc tiếp tục rớt giá trước dữ liệu kinh tế yếu. Chỉ số Shanghai Composite và Hang Seng của Hongkong cùng giảm 1,1%. Chứng khoán Australia giảm 0,5% và KOSPI của Hàn Quốc đứng yên. Riêng chỉ số Nikkei của Nhật Bản tăng 0,8% do lợi nhuận của các nhà xuất khẩu tăng.

Mở cửa sau châu Á vài giờ, thị trường chứng khoán châu Âu cũng đồng loạt giảm, nhất là các cổ phiếu trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ do ảnh hưởng từ sự sụt giảm cổ phiếu S&P 500, Dow Jones và Nasdaq của Mỹ ngày hôm trước.
  
Trong khi đó, giá dầu thô trong hai ngày 16 và 17-7 giảm liên tục do lo ngại về sự gián đoạn nguồn cung có thể giảm bớt và các nhà đầu tư tập trung vào thiệt hại tiềm năng đối với tăng trưởng toàn cầu do căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Dầu thô Brent ngày 17-7 giảm 12 cent, tương đương 0,2%, xuống còn 71,72 USD/thùng ngày 17-7. Trước đó, vào ngày 16-7, giá dầu đã giảm 4,6%. Giá dầu thô Mỹ West Texas giảm 17 cent, tương đương 0,3%, ở mức  67,89 USD/thùng, trước đó vào ngày 16-7 giảm 4,2%. Giá dầu giảm trong bối cảnh báo cáo tăng trưởng của Trung Quốc chậm hơn trong quý 2-2018 cũng như tăng trưởng yếu về sản xuất của nước này trong tháng 6, mức thấp nhất trong 2 năm, cho thấy điều kiện kinh doanh tiếp tục giảm trong những tháng tới khi áp lực thương mại tăng.

Mặc dù nhiều công dân mỏ dầu ở Na Uy đang đình công ảnh hưởng đến sản lượng dầu cung nhưng do các cảng Libya đang mở cửa trở lại, sản lượng tại mỏ dầu của nước này dự kiến tăng trở lại. Sản lượng dầu của Mỹ từ đá phiến dự kiến sẽ tăng 143.000 thùng/ngày lên mức kỷ lục 7,47 triệu thùng/ngày trong tháng 8. Trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho rằng Moscow và Washington có thể hợp tác để xoa dịu sự biến động trong thị trường dầu mỏ.
 
Lạc quan về kinh tế Mỹ

Theo AP, Chủ tịch FED Powell điều trần về chính sách kinh tế và tiền tệ trước Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ vào ngày 17-7 và điều trần tại Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện vào ngày 18-7. Ông Powell có thể nhắc lại quan điểm của FED đối với việc thắt chặt chính sách tiền tệ dần dần (tăng lãi suất) và tập trung vào thị trường trên cơ sở những căng thẳng thương mại gần đây. Lãi suất kho bạc tăng cao kỷ lục trong 10 năm qua với 2,61% vào ngày 16-7 khi doanh số bán lẻ trong nước của Mỹ tăng. Lạm phát của Mỹ trong tháng 6 ở mức 2,9%, cao nhất kể từ đầu năm 2012. Chủ tịch FED có quan điểm lạc quan về nền kinh tế Mỹ và kỳ vọng sẽ tăng thêm lãi suất trong năm nay trong bối cảnh kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp và ổn định trong lĩnh vực tài chính. Theo ông Powell, nền kinh tế Mỹ đang ở giai đoạn tốt  và việc cắt giảm thuế gần đây sẽ kích thích tăng trưởng ít nhất 3 năm tới.

FED để ngỏ khả năng tăng lãi suất lần thứ tư trong năm nay và sẽ họp vào ngày 31-7 và 1-8 để quyết định. Tuy nhiên, FED cũng sẽ cần phải tính đến các rủi ro đối với đầu tư kinh doanh từ những căng thẳng thương mại gia tăng. 

Bất chấp các tranh chấp thương mại giữa Mỹ với Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU), Canada, Mexico và Thổ Nhĩ Kỳ, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu không đổi ở mức 3,9% trong năm nay. IMF nâng tốc độ tăng trưởng kinh tế Mỹ lên 2,9% trong năm nay so với dự báo 2,3% trong năm 2017, chủ yếu do cắt giảm thuế.

Tin cùng chuyên mục