Thị trường chứng khoán Việt Nam phiên giao dịch cuối tuần 24-11 tăng khá đẹp, dù trong phiên VN-Index thị trường “lượn sóng” như tàu cao tốc. Mặc dù không còn lực bán tháo sau phiên giảm sốc hôm trước nhưng thị trường trong suốt phiên giao dịch vẫn đối diện với áp lực cung lớn, khiến VN-Index có thời điểm giảm hơn 10 điểm. Tuy nhiên, chỉ trong 30 phút giao dịch cuối phiên, đặc biệt trong 15 phút cuối của phiên ATC, lực cầu mạnh đổ vào thị trường kéo VN-Index quay đầu tăng gần 8 điểm khi chốt phiên, tức phục hồi gần 20 điểm kể từ giá thấp nhất trong phiên.
Thị trường chốt phiên cuối tuần 24-11 tăng khá tốt |
Hai nhóm cổ phiếu quay đầu tăng mạnh nhất vẫn là bất động sản - xây dựng và chứng khoán. Trong đó, cổ phiếu chứng khoán là nhóm quay đầu xanh đầu tiên, với BSI tăng 6,29%, AGR tăng 4,73%, VIX tăng 3,75%, CTS tăng 3,41%, VCI tăng 3,58%, VND tăng 3,4%, SSI tăng 3,56%, FTS tăng 2,82%, HCM tăng 2,8%...
Nhiều cổ phiếu bất động sản - xây dựng cũng quay đầu tăng mạnh: SZC tăng kịch trần, NLG tăng 3,94%, PDR tăng 3,2%, KBC tăng 3,13%, NVL tăng 3,53%, HHV tăng 2,4%, IDC tăng 2,3%, BCG tăng 2,38%...
Nhóm cổ phiếu ngân hàng cũng nghiêng về sắc xanh: HDB tăng 1,39%, CTG tăng 1,37%, EIB tăng 1,63%, BID tăng 1,51%; VCB, VPB, SSB tăng gần 1%. Vài cổ phiếu giảm điểm có TCB giảm 1,15%; ACB, OCB, MBB giảm gần 1%...
Nhóm cổ phiếu sản xuất cũng giao dịch khởi sắc vào cuối phiên, với NKG tăng 4,49%, HPG tăng 2,13%, HSG tăng 2,2%, DGC tăng 2,8%, BMP tăng 3,37%, SAB tăng 4,3%...
Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index tăng 7,12 điểm (0,65%) lên 1.095,61 điểm với 146 mã tăng, 381 mã giảm và 77 mã đứng giá. Chốt phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index cũng tăng 1,56 điểm (0,69%) lên 226,1 điểm với 57 mã tăng, 102 mã giảm và 62 mã đứng giá. Thanh khoản giảm với tổng giá trị giao dịch trên toàn thị trường khoảng 22.100 tỷ đồng, giảm 2.000 tỷ đồng so với phiên trước. Thêm điểm tích cực cho thị trường là khối ngoại đã chấm dứt chuỗi bán ròng trước đó, quay lại mua ròng gần 410 tỷ đồng trên sàn HOSE.
Với việc trong phiên ATC (khớp lệnh định kỳ 15 phút cuối phiên) nhiều phiên giao dịch thời gian gần đây luôn biến động mạnh: kéo lên hoặc đạp xuống khiến nhà đầu tư bị động, bức xúc. Anh Hùng Cường (quận 3, TPHCM) - một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường chứng khoán cho hay, VN-Index bị “phán xử” bởi phiên “bịt mắt” là ATC thì không còn phản ánh đúng cung - cầu của thị trường, mà chỉ mang tính thỏa thuận giao dịch giữa những "tay to" với nhau. Từ đó, ảnh hưởng đến tâm lý giao dịch của nhà đầu tư vì khi thấy thị trường bất ngờ giảm mạnh, nhà đầu tư thường bán tháo theo, kéo thị trường sụt giảm mạnh thêm. “Hy vọng hệ thống giao dịch KRX khi đưa vào hoạt động sẽ bỏ được phiên ATO (15 phút giao dịch đầu phiên) và ATC để các phiên giao dịch này không tiếp tay cho việc lũng đoạn thị trường của những nhà đầu tư lớn”, anh Cường bày tỏ.
Về việc này, các chuyên gia cho biết, nguyên nhân phiên ATC thường biến động lớn chủ yếu do sự dẫn dắt thị trường của các “đội lái”. Các chuyên gia cũng như nhà đầu tư trên thị trường cho rằng, cần bỏ các phiên giao dịch ATC, ATO để tránh tình trạnh bị "làm giá". Đồng thời, Ủy Ban Chứng khoán Nhà nước cũng như các cơ quan chức năng cần tăng cường thanh tra, kiểm tra các giao dịch bất thường; đồng thời, tăng chế tài đối với các nhà đầu tư lũng đoạn thị trường, từ đó có thể giúp thị trường chứng khoán phát triển một cách minh bạch và bền vững hơn; đặc biệt Việt Nam đang trong quá trình tiến tới nâng hạng thị trường trong thời gian tới.