Chốt phiên, VN-Index giảm 55,95 điểm (6,28%) xuống 835,49 điểm - về mốc thấp nhất từ tháng 11-2017- với 368 mã giảm (trong đó có đến 173 mã giảm sàn), chỉ có 34 mã tăng và 14 mã đứng giá.
Kết thúc phiên tại sàn Hà Nội, HNX-Index giảm cũng 7,32 điểm (6,44%) xuống 106,34 điểm với 148 mã giảm (61 mã giảm sàn), 29 mã tăng và 32 mã đứng giá. Thanh khoản thị trường duy trì ở mức cao, tổng khối lượng giao dịch trên 2 sản chính thức đạt 378 triệu CP, trị giá 6.500 tỷ đồng.
Trong khi đó, giá vàng thế giới vượt 1.700 USD/ounce kéo giá vàng SJC trong nước đầu giờ sáng ngày 9-3 vượt 48 triệu đồng/lượng nhưng sau đó giảm nhẹ. Ghi nhận giá vàng SJC vào 16 giờ tại TPHCM, Công ty SJC niêm yết giá vàng ở mức 47,2 triệu đồng/lượng mua vào và 47,9 triệu đồng/lượng bán ra, giảm hơn 200.000 đồng/lượng so với đầu giờ sáng nhưng vẫn tăng 400.000 đồng/lượng chiều mua và 600.000 đồng/lượng chiều bán.
Cùng thời điểm tại Hà Nội, Công ty Bảo Tín - Minh Châu giao dịch giá vàng ở mức 47 triệu đồng/lượng mua vào và 47,85 triệu đồng/lượng bán ra.
Cùng ngày, giá vàng giao ngay trên thế giới tăng 24,6 USD/ounce, lên mức 1697,63 USD/Ounce. Giao dịch trong phiên dao động quanh ngưỡng 1.673,1 - 1.704 USD/ounce. Mức giá này sau khi quy đổi khoảng 47,5 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 500.000 đồng/lượng.
Thêm một yếu tố có lợi cho giá vàng là tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã giảm lãi suất đồng USD và một số ngân hàng trung ương khác trong tuần này sẽ cắt giảm lãi suất trong nỗ lực làm giảm thiệt hại kinh tế. Các chuyên gia dự đoán, giá vàng tháng 4-2020 có thể tăng lên tới 1.736 USD/ounce.
Trên thị trường ngoại tệ ngày 9-3, tỷ giá USD/VND không biến động nhiều. Tỷ giá trung tâm được NHNN công bố ở mức 23.195 đồng/USD, giảm 2 đồng/USD so với cuối tuần trước. Theo đó, giá USD ở các ngân hàng thương mại giảm nhẹ khoảng 10 đồng/USD, giao dịch USD phổ biến quanh mức 23.090 đồng/USD mua vào và 23.120 đồng/USD bán ra.