Trong buổi livestream trên mạng xã hội mới đây, một streamer có tên MisThy (26 tuổi) đọc được một lời bình luận kém duyên đã khiến cô gái này nóng giận, đáp trả bằng những ngôn từ “chợ búa”, tục tĩu, khiếm nhã… Người xem sốc với những lời đáp trả, cách xử sự kém văn minh này.
Là một trong những nữ streamer sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo với kênh YouTube gần 6 triệu lượt đăng ký, Instagram có 2,7 triệu follow và 3 triệu người follow trên Facebook, việc MisThy văng tục sẽ tác động tiêu cực đến rất nhiều người trẻ khác - phần đông đang độ tuổi đến trường. Lối nói chuyện có phần bỗ bã, dùng nhiều từ chửi thề trong không ít streamer, trên mạng xã hội từng được thanh minh là cách trở nên gần gũi hơn với khán giả, nhưng rõ ràng có rất nhiều cách khác văn minh hơn.
Việc nói tục trên mạng xã hội càng ngày càng “lậm”, đặc biệt với những từ viết tắt mà “ai cũng hiểu” là gì thì có bao nhiêu các bạn cũng có thể “văng” ra. Con trai đã đành, con gái bây giờ còn có chuyện cứ nói một câu phải đệm hai, ba tiếng chửi thề mới là cá tính, oai…
Có thể nhắc đến câu chuyện cách dùng mạng xã hội của hoa hậu Đ.T.H. sau đăng quang, cô bị soi những bình luận sử dụng rất nhiều ngôn từ khiếm nhã. Có người cho rằng, đó chỉ là bình luận vô tư vui đùa tuổi trẻ, chẳng hại ai, nhưng nhiều người rất gay gắt gọi đó là ngôn ngữ thô thiển, thiếu văn hóa… Nhiều bạn trẻ được gọi là nhà văn như Nguyễn Ngọc Thạch, Gào… cũng thường xuyên có nhiều bài viết sử dụng ngôn từ phản cảm. Không chỉ những người nổi tiếng văng tục trên mạng, nhiều người bán hàng online, người có lượng theo dõi cao trên mạng xã hội, người có tick xanh, tick đỏ cũng đăng câu chữ gây “ô nhiễm” mạng xã hội.
Ngôn ngữ giao tiếp, bài viết, lời văn là bộ mặt, thể hiện nền tảng giáo dục, phông văn hóa của mỗi người. Nói năng, không chỉ là chuyện phát âm chỉn chu mà còn là nói sao cho tử tế, đúng mực. Biết tiết chế khi giao tiếp trên mạng xã hội cũng là cách thể hiện lối sống, phẩm chất của mỗi người.