Sáng nay 23-11, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị toàn quốc học tập, quán triệt Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII. Đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư chủ trì hội nghị.
Tham dự hội nghị có các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng; Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vân Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương;…
Tham dự hội nghị còn có các đồng chí: nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tuyến toàn quốc với thành phần tham gia là cán bộ chủ chốt từ cấp huyện và xã phường, thị trấn trở lên.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Trần Quốc Vượng cho biết, Hội nghị Trung ương 8 diễn ra vào thời điểm giữa nhiệm kỳ khóa XII, là năm bản lề 2018 có ý nghĩa quan trọng đối với việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và là năm khởi đầu cho việc chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng.
Tại hội nghị Trung ương 8, Trung ương đã thông qua Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Nghị quyết về chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn 2045; Kết luận về kinh tế xã hội và một số vấn đề quan trọng khác.
Đồng chí Trần Quốc Vượng khẳng định: các nghị quyết, quy định kết luận lần này là những vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến việc lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh và chuẩn bị cho việc tổ chức thành công Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
“Đề nghị các đồng chí nâng cao tinh thần trách nhiệm, chú ý lắng nghe báo cáo viên trình bày, nghiên cứu tài liệu, thảo luận, liên hệ thực tiễn địa phương, đơn vị mình. Sau hội nghị đề nghị các cấp ủy Đảng, tổ chức Đảng, đoàn thể tổ chức việc triển khai học tập quán triệt nghị quyết, quy định đến cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương, đơn vị mình. Quá trình học tập, tuyên truyền nghị quyết cần coi trọng tính thiết thực, hiệu quả, phù hợp với từng đối tượng, đồng thời chỉ đạo quyết liệt, nhanh chóng đưa nghị quyết vào cuộc sống, nhất là thực hiện ngay quy định về trách nhiệm nêu gương, đồng chí Trần Quốc Vượng nhấn mạnh.
Thông báo một số vấn đề về công tác xây dựng Đảng, công tác cán bộ, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, trước sự ra đi không mong muốn của Chủ tịch nước Trần Đại Quang, sau khi xem xét các vấn đề liên quan, Bộ Chính trị đã tổ chức kiện toàn chức danh Chủ tịch nước.
Trước khi kiện toàn, theo quy định của pháp luật đã phân công Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh giữ quyền Chủ tịch nước.
Căn cứ kết luận của Bộ chính trị, quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, các quy định khác của pháp luật và của Đảng, trên cơ sở rà soát nguồn cán bộ cấp cao, dựa vào các tiêu chuẩn, tiêu chí, điều kiện, các cơ quan chức năng thực hiện việc này hết sức thận trọng và bài bản, làm đúng các quy định của Đảng và Nhà nước.
Sau khi tham khảo ý kiến các thành viên Bộ Chính trị, những người có trách nhiệm, thì thấy Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện để đảm nhận chức danh Chủ tịch nước trong thời điểm hiện tại.
Sau đó, Ban Chấp hành Trung ương tiến hành lấy ý kiến bằng phiếu kín. Có 194/195 Ủy viên Trung ương giới thiệu (99,5%). Trên cơ sở phiếu giới thiệu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị mới thảo luận và biểu quyết thông qua 100% giới thiệu.
Việc phân công, giới thiệu Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương, tại Hội Nghị lần thứ 8, 100% đại biểu có mặt tán thành.
Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV đã tiến hành đúng thủ tục, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được bầu làm Chủ tịch nước theo đúng Hiến pháp, pháp luật với 476/477 phiếu.
Nhìn lại lịch sử đất nước, đồng chí Phạm Minh Chính cho biết, người đứng đầu Đảng đồng thời đảm nhận chức danh người đứng đầu Nhà nước có hai giai đoạn.
Từ 1951, Đại hội lần II của Đảng bầu Chủ tịch Hồ Chí Minh là Chủ tịch Đảng đồng thời đảm nhận chức danh Chủ tịch nước đến 1969 (18 năm).
Giai đoạn thứ 2 là 7-1986 khi Tổng Bí thư Lê Duẩn từ trần, tại Hội nghị đặc biệt Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh được bầu giữ cương vị Tổng Bí thư và giữ cương vị này đến 12-1986 (5 tháng).
Như vậy trong lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, một người đảm nhiệm hai chức danh, đứng đầu Đảng và Nhà nước đã từng có. Tương tự, ở một số nước có thể chế như Việt Nam như Trung Quốc, Lào, Cuba, người đứng đầu Đảng cũng là người đứng đầu Nhà nước.
“Việc bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước đã tiến hành thủ tục, trình tự, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, khách quan, dân chủ, hết sức chặt chẽ. Dư luận trong nước và quốc tế đều đánh giá việc Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Chủ tịch nước là phù hợp”, đồng chí Phạm Minh Chính nhấn mạnh. |
Cũng trong sáng nay, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giới thiệu, quán triệt Kết luận số 37-KL/TW “về tình hình kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2018; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách Nhà nước năm 2019”.