Chức danh khoa học cần hiểu và sử dụng đúng

Trong hệ thống giáo dục quốc gia, ở bậc đào tạo đại học (ĐH) và trên ĐH, sau khi thi hoặc bảo vệ thành công luận văn, luận án tốt nghiệp, người học được Nhà nước cấp văn bằng và danh vị khoa học tương ứng – đó là học vị.

Để có các văn bằng và học vị: cử nhân (CN), kỹ sư (KS), bác sĩ (BS), dược sĩ (DS), luật sư (LS), kiến trúc sư (KTS), chuyên khoa cấp 1 (CKI), thạc sĩ (ThS), chuyên khoa cấp II (CKII), tiến sĩ (TS), tiến sĩ khoa học (TSKH), các cán bộ khoa học phải trải qua đào tạo và tốt nghiệp ở bậc ĐH, sau hoặc trên ĐH, và tất cả các chức danh trên đều thuộc về học vị.

Khác với học vị, chức danh học hàm lại không phải qua đào tạo, không phải thi cử hoặc bảo vệ luận văn luận án, mà căn cứ vào các tiêu chí, điều kiện đề ra, căn cứ vào tài năng, uy tín, cống hiến khoa học của từng người và do Hội đồng Khoa học chuyên ngành các cấp xét duyệt, bỏ phiếu tín nhiệm để đề nghị Nhà nước quyết định công nhận.

Học hàm có hai cấp, trước đây gọi là Giáo sư I (GSI) và Giáo sư II (GSII); về sau và hiện nay được đổi thành Phó giáo sư (PGS) và Giáo sư (GS).

Những năm gần đây, trong xã hội, trong công chúng, cách sử dụng các chức danh khoa học không được chính xác. Chúng ta thường bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo, đài), trên các bảng hiệu (văn phòng luật sư, kiến trúc sư, phòng khám bệnh, phòng mạch tư, nhà thuốc, …), thậm chí trong các văn bản khoa học, tồn tại cách viết tùy tiện như tiến sĩ-bác sĩ (TS-BS), bác sĩ-thạc sĩ (BS-ThS), luật sư-tiến sĩ (LS-TS). Thạc sĩ-kiến trúc sư (ThS-KTS)…

Viết và gọi như thế chẳng khác gì khi viết và gọi tiến sĩ-kỹ sư, thạc sĩ-cử nhân, tiến sĩ-chuyên khoa cấp I… Và điều đó sẽ dẫn tới tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu; thừa ở chỗ cùng một lúc mà sử dụng hai cấp học vị khác nhau (một ở cấp cao, một ở cấp thấp), còn thiếu là thiếu thông tin về ngành nghề đào tạo (khi cần thiết).

Để thể hiện chức danh khoa học của một người, chúng ta cần viết đúng và theo thứ tự học hàm-học vị-ngành hoặc chuyên ngành đào tạo (nếu cần) và khi cần thiết thì viết cụ thể ngành học hoặc chuyên ngành đào tạo kèm theo. Ví dụ: Thay vì viết tiến sĩ-bác sĩ thì phải viết tiến sĩ y khoa (TS. Y khoa), thay vì viết thạc sĩ-kiến trúc sư thì viết thạc sĩ-kiến trúc (ThS. Kiến trúc) hoặc Giáo sư - tiến sĩ Y khoa, Phó Giáo sư - Cử nhân kinh tế...

DS. NGUYỄN TƯ HIỀN (TPHCM)

Tin cùng chuyên mục