Trước khi có Quy định 144, Ban Chấp hành Trung ương cũng đã có Quy định 37 về những điều đảng viên không được làm; Quy định 08 về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương; Quy định 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức Đảng, đảng viên vi phạm...
Những Đảng văn trên tập trung vào việc nhận diện, đấu tranh với các biểu hiện vi phạm đạo đức của cán bộ, đảng viên, nhưng vẫn cần sự hệ thống cụ thể về chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Quy định 144 đã bổ khuyết, hoàn thiện yêu cầu về cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới. Nhiều chuyên gia về xây dựng Đảng cũng nhận định, Quy định 144 là một trong những Đảng văn thể hiện tư duy mới, đánh dấu bước phát triển trong nhận thức và hành động của Đảng ta về công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị.
Quy định 144 đã hệ thống toàn diện phẩm chất của cán bộ, đảng viên được thực tiễn cách mạng khẳng định từ trước đây và phù hợp với giai đoạn mới. Đồng thời bổ sung những nội dung mới, tiêu chí mới, như bản lĩnh, đổi mới, sáng tạo và hội nhập. Qua đó cho thấy, đây là quy định rất cụ thể, nghiêm khắc. Một khi thiếu 1 trong 5 chuẩn mực đó thì không thể là cán bộ, đảng viên.
Chưa kể, thời gian qua có không ít cán bộ, đảng viên bị xử lý kỷ luật về mặt Đảng, chính quyền; bị miễn chức vụ hoặc cho thôi nhiệm vụ vì có vi phạm, khuyết điểm trong thực hiện Quy định về những điều đảng viên không được làm, Quy định về trách nhiệm nêu gương. Cũng có không ít cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự do suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, chủ nghĩa cá nhân, lợi ích nhóm hoặc tham nhũng, tiêu cực.
Khuyết điểm, sai phạm xảy ra do cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện tu dưỡng và không tuân thủ kỷ luật, kỷ cương. Vì vậy, Quy định 144 nêu rõ cán bộ, đảng viên không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao phẩm chất, đạo đức, trình độ, năng lực công tác. Đặc biệt là yêu cầu phải nêu cao lòng tự trọng, danh dự, không cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, giữ gìn phẩm giá của người cán bộ, đảng viên, không để tác động lôi kéo, cám dỗ tiêu cực hoặc trục lợi. Và, cán bộ, đảng viên thực hiện văn hóa từ chức khi không còn đủ khả năng, uy tín.
Có thể thấy, lần đầu tiên trong một Đảng văn đã ghi rõ cụm từ “Thực hiện văn hóa từ chức khi không đủ khả năng, uy tín”. Như vậy cùng với Quy định 41 của Bộ Chính trị về việc miễn nhiệm, từ chức đối với cán bộ, Quy định 144 tiếp tục làm rõ hơn về “văn hóa từ chức” trong Đảng và hệ thống chính trị.
Ngoài việc bị miễn nhiệm, cho thôi nhiệm vụ do vi phạm như lâu nay, Quy định 144 còn định hướng, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo khi đã nỗ lực hết khả năng mà không đảm đương công việc hay có vi phạm, khuyết điểm làm mất niềm tin, suy giảm uy tín thì nên xin thôi giữ chức vụ, nhường vị trí đó cho người khác phù hợp hơn, không được tham quyền cố vị.
Chính vì thế, người dân tin tưởng, trông chờ Quy định 144 sớm được phổ biến đến từng tổ chức Đảng và hơn 5,3 triệu đảng viên trong cả nước. Đó sẽ là thông điệp gửi đến từng đảng viên, để mỗi cán bộ, đảng viên không ngừng nỗ lực, đổi mới, sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức trước yêu cầu công việc ngày càng cao, đặc biệt trong thời điểm Đảng ta chuẩn bị nhân sự cho nhiệm kỳ tới.
Và việc triển khai và cụ thể hóa Quy định 144 sẽ thúc đẩy hơn nữa đến từng cán bộ, đảng viên thể hiện, phát huy tốt hơn tính tiên phong, gương mẫu, như lời dạy Chủ tịch Hồ Chí Minh và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.