Phải đạt 6 tiêu chí quan trọng
Theo quy định của Bộ GD-ĐT, từ năm 2025, tất cả cơ sở GDĐH phải bảo đảm đạt được 6 tiêu chí mới, gồm: tổ chức quản trị, giảng viên, cơ sở vật chất, tài chính, tuyển sinh và đào tạo, nghiên cứu đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, tiêu chuẩn về giảng viên quy định, tỷ lệ giảng viên cơ hữu (toàn thời gian) có trình độ tiến sĩ là không thấp hơn 20%, và từ năm 2030 là không thấp hơn 30% đối với cơ sở GDĐH không đào tạo tiến sĩ; không thấp hơn 5%, và từ năm 2030 không thấp hơn 10% đối với các trường đào tạo ngành đặc thù không đào tạo tiến sĩ. Đối với cơ sở GDĐH có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ này là không thấp hơn 40%, và từ năm 2030 không thấp hơn 50%. Đối với các trường đào tạo ngành đặc thù có đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ này không thấp hơn 10%, và từ năm 2030 không thấp hơn 15%.
Trong khi đó, tiêu chí về cơ sở vật chất quy định: từ năm 2030, diện tích đất (có hệ số theo vị trí khuôn viên) tính bình quân trên một người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 25m2/sinh viên, và ít nhất 70% giảng viên toàn thời gian được bố trí chỗ làm việc riêng biệt. Ngoài ra, diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo trên số người học chính quy quy đổi theo trình độ và lĩnh vực đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2/sinh viên, ít nhất 70% giảng viên cơ hữu được bố trí chỗ làm việc riêng biệt.
Đặc biệt, tiêu chí về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo quy định, tỷ trọng thu từ các hoạt động khoa học - công nghệ trên tổng thu của cơ sở GDĐH có đào tạo tiến sĩ (có tính trọng số theo lĩnh vực), tính trung bình trong 3 năm gần nhất không thấp hơn 5%, số lượng công bố khoa học - công nghệ bình quân trên một giảng viên không thấp hơn 0,3 bài/năm, riêng với cơ sở có đào tạo tiến sĩ không đào tạo ngành đặc thù, số lượng này là 0,6 bài/năm.
Kèm theo Thông tư 01, Bộ GD-ĐT cũng yêu cầu các cơ sở GDĐH thực hiện các biện pháp cần thiết để thường xuyên giám sát, cải tiến chất lượng và hiệu quả hoạt động, đảm bảo đạt được tất cả tiêu chuẩn, tiêu chí theo quy định của Thông tư 01 kể từ năm 2025.
Khó thực hiện
Theo TS Võ Văn Tuấn, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn Lang, nhà trường đã họp, phân tích các tiêu chí để triển khai thực hiện các quy định của Thông tư 01, nhưng quả thật rất khó.
Cụ thể, nhà trường hiện đang đào tạo một ngành tiến sĩ là Khoa học môi trường. Hiện nay, trường có hơn 2.000 giảng viên cơ hữu, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ đang là 22% (440 tiến sĩ). Để đạt được 40% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2025, trường phải có thêm ít nhất 370 tiến sĩ, đây là điều không tưởng. Và đến năm 2030, nếu giữ nguyên số lượng đội ngũ như hiện nay, trường phải có thêm ít nhất 580 tiến sĩ mới đạt được yêu cầu phải có tối thiểu 50% giảng viên là tiến sĩ với cơ sở có đào tạo tiến sĩ...
Con số trên không thể nào đạt được! Còn về tiêu chí cơ sở vật chất, với quy mô hơn 40.000 người học, nhà trường tính toán, diện tích đất của trường phải trên 110ha mới đáp ứng tiêu chuẩn theo quy định là 25m2/sinh viên. Trong khi đó, diện tích đất của nhà trường tại tất cả cơ sở chỉ đạt gần 8ha, chưa bằng 1/10 so với yêu cầu.
Trong khi đó, tại nhiều trường đại học đang đào tạo tiến sĩ, tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ hiện còn rất thấp. Trường Đại học Tôn Đức Thắng có 997 giảng viên, với 6 giáo sư, 12 phó giáo sư, 245 tiến sĩ, đạt 26,3% và còn thiếu 135 tiến sĩ. Trường Đại học Nguyễn Tất Thành có 1.325 giảng viên, trong đó có 13 giáo sư, 60 phó giáo sư và 337 tiến sĩ, đạt 30% và còn thiếu 120 tiến sĩ. Trường Đại học Công nghiệp TPHCM đạt hơn 35%, còn thiếu gần 100 tiến sĩ. Trường Đại học Công thương TPHCM đạt hơn 30%, còn thiếu 49 tiến sĩ. Trường Đại học Công nghệ thông tin TPHCM (Đại học Quốc gia TPHCM) đạt 34%, còn thiếu 16 tiến sĩ...
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng Trường Đại học Công thương TPHCM, cho rằng, để đạt được tỷ lệ 50% giảng viên có trình độ tiến sĩ vào năm 2030 là rất khó, buộc các trường phải nỗ lực rất lớn. Trường Đại học Công thương TPHCM hiện đang thực hiện chính sách thu hút nhân lực từ bên ngoài và hỗ trợ từ bên trong để tăng tỷ lệ tiến sĩ, đáp ứng chuẩn cơ sở GDĐH.
Chẳng hạn, một giáo sư về làm việc tại trường sẽ được nhận ngay 200 triệu đồng, phó giáo sư về làm việc tại trường sẽ nhận 150 triệu đồng và tiến sĩ về làm việc tại trường sẽ nhận 100 triệu đồng. Bắt đầu từ năm 2024, trường quy định giảng viên nữ dưới 45 tuổi, giảng viên nam dưới 50 tuổi buộc phải đăng ký học tiến sĩ đúng chuyên ngành, trong thời gian 6 năm. Nếu hết năm 3 vẫn không đăng ký, trường sẽ cắt hợp đồng. Giảng viên học tiến sĩ sẽ được hỗ trợ 100% học phí và vẫn có thu nhập như đang làm việc.
Đối với tiêu chí về cơ sở vật chất (diện tích đất và diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo), nhiều trường cho rằng rất khó để đạt tiêu chí 25m2/sinh viên; và tiêu chí diện tích sàn xây dựng phục vụ đào tạo không nhỏ hơn 2,8m2/sinh viên là không thể thực hiện. Bởi lẽ quỹ đất để các trường xây dựng thì không có, đi thuê cơ sở vật chất thì không được tính, trường công lập có tiền cũng không thể mua đất để xây cơ sở vì quy định không cho phép, trường tư kiếm đất mua để mở rộng cơ sở vật chất cũng khó khăn.