Theo đó, số liệu chính thức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) phổ biến vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau tháng báo cáo (quy định hiện hành là ngày 29 hàng tháng; riêng tháng 2 là ngày cuối tháng); số liệu ước tính tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có bằng, chứng chỉ và tỷ lệ thất nghiệp phổ biến vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau quý báo cáo; báo cáo kinh tế - xã hội tháng, quý 1, quý 2 và 6 tháng, quý 3 và 9 tháng, quý 4 và cả năm phổ biến vào ngày 6 của tháng kế tiếp sau kỳ báo cáo. Thời gian công bố số liệu GDP, GRDP cũng được điều chỉnh lùi tương ứng. Theo các chuyên gia trong ngành, việc sửa đổi này là hết sức cần thiết, nhằm tăng cường tính chính xác của số liệu thống kê.
Thời gian qua, để kịp thời công bố, phổ biến số liệu vào “ngày 29 hàng tháng, với tháng 2 là ngày cuối tháng”, khâu thu thập, tổng hợp, biên soạn thông tin thống kê phải được thực hiện sớm, để cơ quan thống kê trung ương có đủ thời gian tổng hợp, kiểm tra, xác minh thông tin từ cấp huyện, cấp tỉnh đến cấp trung ương. Vì thu thập thông tin sớm nên các số liệu chủ yếu là ước tính, dẫn đến kết quả có độ chính xác chưa cao và chưa phản ánh đúng thực tế.
Một ví dụ là thông tin, số liệu điều tra thống kê khối doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể của các đơn vị điều tra thống kê phải được thu thập sớm (từ ngày 1 đến ngày 12 hàng tháng), do vậy, các đơn vị điều tra thống kê phải ước tính số liệu của ít nhất 2/3 thời gian của tháng báo cáo. Mức ước tính thông tin, số liệu lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản cũng sớm hơn so với kỳ sản xuất 1/2 tháng; còn báo cáo 6 tháng thì hầu hết các chỉ tiêu đều phải ước tính dựa trên kết quả điều tra của… năm trước.
Thế nhưng, sửa đổi quy định về thời gian công bố số liệu chỉ mới là điều kiện cần chứ chưa đủ để đảm bảo rằng “chiếc gương” thống kê phản chiếu thực tế chính xác hơn. Một câu chuyện xảy ra cách đây ít hôm, tại một cuộc hội thảo của ngành du lịch, không ít chủ hãng lữ hành bày tỏ sự hoang mang trước những số liệu rất… “long lanh” từ một số sở du lịch.
Nguyên nhân sâu xa, theo PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, là do các địa phương chưa hiểu cách tính “khách đến”, có một số lượng lớn khách không lưu trú, chi tiêu, mà chỉ “lướt qua” trong ngày rồi đi tới điểm khác. Con số thống kê quá “đẹp” không phản ánh được những khó khăn của ngành, ảnh hưởng đến việc hoạch định chính sách và niềm tin kinh doanh; còn doanh nghiệp thì không hiểu vì sao thị trường sôi động thế mà mình thì chật vật…
Hoạt động thống kê có vai trò rất quan trọng trong công tác quản lý nhà nước. Do đó, sản phẩm thống kê càng đòi hỏi phải đảm bảo đầy đủ các yếu tố thông tin, minh bạch và kịp thời, có sự phân tích sâu sắc cũng như dễ dàng tổng hợp để giúp đơn vị, cá nhân sử dụng số liệu trong và ngoài nước trong việc so sánh, đối chiếu. Tất nhiên, những sai lệch về số liệu thống kê vì những nguyên nhân cố ý như “bệnh” thành tích, hoặc để che giấu những tính toán khác thì chỉ có thể chữa khỏi bằng công tác thanh tra, kiểm toán, chế tài nghiêm khắc. Mà đó là một câu chuyện dài khác.