Trao đổi với PV Báo SGGP vì sao cả nước chỉ có 16 trường ĐH được cấp chứng chỉ này, ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, cho biết, danh sách các đơn vị được tổ chức thi và cấp các chứng chỉ thực hiện theo Thông tư số 23/2017/TT-BGDĐT về quy chế thi đánh giá năng lực ngoại ngữ. Điều 4 của thông tư này nêu rõ, mỗi cơ sở đều phải có đề án tổ chức thi đánh giá năng lực ngoại ngữ theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT. Đơn vị nào đủ điều kiện và nộp hồ sơ về Bộ GD-ĐT để được cấp phép đào tạo sẽ được xem xét, thẩm định và công nhận. Có những đơn vị đủ điều kiện đào tạo nhưng không có nhu cầu cấp chứng chỉ ngoại ngữ (tiếng Anh) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, sẽ không nằm trong danh sách mà Bộ GD-ĐT thông báo. Hiện ngoài 16 đơn vị đã được công nhận còn một số trường đang được Bộ GD-ĐT xem xét hồ sơ.
Xung quanh việc cấp chứng chỉ tiếng Anh theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam, còn nhiều vấn đề lúng túng nảy sinh từ thực tiễn. Đơn cử như một số nơi chỉ công nhận chứng chỉ ngoại ngữ của trường này mà không chấp nhận chứng chỉ của trường kia. Theo giải thích của Bộ GD-ĐT, việc chấp nhận chứng chỉ/chứng nhận năng lực ngoại ngữ nào và thời hạn áp dụng của chứng chỉ/chứng nhận là do chủ tịch UBND tỉnh thành hoặc giám đốc sở GD-ĐT (nếu được chủ tịch UBND tỉnh thành ủy quyền) xem xét, quyết định dựa theo yêu cầu về năng lực ngoại ngữ đối với vị trí công việc.
Tuy nhiên, bất cập mang tính mấu chốt trong vấn đề chứng chỉ ngoại ngữ hiện nay là các doanh nghiệp hay nhiều cơ quan không sử dụng khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam mà chỉ yêu cầu các chứng chỉ quốc tế. Nhiều ý kiến nêu thực tế hiện không ít doanh nghiệp thậm chí không biết đến chứng chỉ ngoại ngữ mà các trường ĐH cấp, họ chủ yếu yêu cầu chứng chỉ quốc tế phổ biến như IELTS, TOEIC, TOEFL và các chứng chỉ của Cambridge (FCE, CAE, CPE). Vì thế, nhiều sinh viên tốt nghiệp đã phải đăng ký học IELTS để thi lấy chứng chỉ. Với sự khác nhau và vênh nhau về yêu cầu tiếng Anh giữa chuẩn đầu ra của trường ĐH với đầu vào của doanh nghiệp, thì sinh viên là người chịu thiệt thòi.
Dù nhiều trường ĐH yêu cầu chuẩn đầu ra đối với tiếng Anh là tính theo điểm TOEIC, nhưng cách dạy và luyện thi chứng chỉ này ở một số nơi chưa đảm bảo được việc phát triển kỹ năng nên xảy ra nhiều trường hợp đáp ứng được chuẩn đầu ra của trường nhưng khi đi làm vẫn gặp nhiều trở ngại trong giao tiếp tiếng Anh. Bên cạnh đó, tiếng Anh mà doanh nghiệp yêu cầu khác với tiếng Anh học ở trường, do đó thường đòi hỏi chứng chỉ tiếng Anh khác với chứng chỉ mà sinh viên đã đạt được ở trường ĐH. Rất nhiều trường hợp sau khi đi làm rồi vẫn phải đi học tiếng Anh lại từ đầu.
Rõ ràng, việc đào tạo, cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở các trường ĐH cần được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế để bảo đảm sinh viên chỉ cần học tiếng Anh ở trường là đã có thể đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp, tránh lãng phí thời gian và tiền bạc.