Những bài học từ sự kiện Nam bộ kháng chiến cách đây 75 năm không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Chiều 12-11, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức họp báo giới thiệu hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng “Nam bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử”.
Chủ trì cuộc họp báo có các đồng chí: Lê Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM; Đại tá Trần Ngọc Anh, Phó Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam; Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam.
Quang cảnh cuộc họp báo diễn ra chiều 12-11-2020, tại Hà Nội. Ảnh: TRẦN BÌNH Tại cuộc họp báo, Đại tá Nguyễn Văn Sáu cho biết, sự kiện Nam Bộ kháng chiến ngày 23-9-1945 là trang sử oanh liệt mở đầu công cuộc chống thực dân Pháp trở lại xâm lược nước ta. Ngay từ giờ phút đầu tiên quân Pháp tiến công Sài Gòn - Chợ Lớn, bằng mọi thứ vũ khí trong tay, quân và dân ta đã anh dũng chiến đấu, gây khó khăn, tổn thất cho đội quân xâm lược được trang bị hiện đại. Cuộc chiến đấu trong điều kiện không cân sức của quân dân ta ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam bộ thực sự tiêu biểu cho tinh thần chủ động, sáng tạo, ý chí, quyết tâm “giữ vững nền độc lập” của dân tộc Việt Nam.
75 năm đã trôi qua, Nam bộ là nơi mở đầu cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp đầy gian lao trong lịch sử dân tộc. Đây là lần đầu tiên Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TPHCM tổ chức cuộc Hội thảo “Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập tự do và bài học lịch sử” để kỷ niệm 75 năm Ngày Nam Bộ kháng chiến. Hội thảo sẽ diễn ra ngày 21-11 tới tại TPHCM.
Đại diện Thành ủy TPHCM và Bộ Quốc phòng chủ trì cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH Theo Đại tá Nguyễn Văn Sáu, sự kiện Nam bộ kháng chiến khẳng định ý chí bảo vệ độc lập tự do và để lại nhiều bài học lịch sử. Mặc dù vừa mới giành được độc lập, trong điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng với tinh thần “Độc lập hay là chết”, các chiến sĩ tự vệ công nhân, tự vệ thanh niên, các đội xung phong công đoàn, công an … cùng với toàn thể nhân dân miền Nam đã kiên quyết đứng lên đánh Pháp với những cách đánh linh hoạt, sáng tạo.
Cuộc chiến đấu đó có ý nghĩa to lớn, ngăn chặn một bước, giáng một đòn mạnh mẽ đầu tiên vào âm mưu “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp, làm tiêu hao một bộ phận sinh lực địch, hoàn thành nhiệm vụ kìm giữ chúng trong thành phố và các thị xã một thời gian dài, góp phần to lớn vào công cuộc đấu tranh giữ vững chính quyền nhân dân, chủ quyền dân tộc; đồng thời tỏ rõ tinh thần yêu nước quật cường và quyết tâm chiến đấu đến cùng để bảo vệ Tổ quốc của quân và dân ta.
Sự kiện cũng đã khẳng định bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo của Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban kháng chiến Nam bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chính phủ đối với cuộc kháng chiến ở Nam bộ; về phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành kháng chiến; về công tác huy động sức người, sức của chi viện chiến trường; về chỉ đạo tác chiến, tiến hành chiến tranh nhân dân bảo vệ Tổ quốc,… Những bài học từ Nam bộ kháng chiến không chỉ có giá trị lịch sử mà còn có giá trị hiện thực sâu sắc, góp phần vận dụng hiệu quả vào hoạt động xây dựng, củng cố nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Lê Văn Minh phát biểu tại cuộc họp báo, chiều 12-11-2020. Ảnh: TRẦN BÌNH
Tại hội thảo, đồng chí Lê Văn Minh cho biết, dù hội thảo diễn ra muộn so với kế hoạch do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, nhưng trong thời gian qua, TPHCM đã có các hoạt động ý nghĩa kỷ niệm 75 năm Ngày Nam bộ kháng chiến. Đó là thực hiện các hoạt động về nguồn, đền ơn, đáp nghĩa trong thời gian qua, nhất là thời gian cao điểm đúng 75 năm Ngày Nam bộ kháng chiến (23-9-2020).
Dù hội thảo có diễn ra muộn, nhưng đến thời điểm này, ý nghĩa, giá trị của những tài liệu mới được nghiên cứu, tìm thấy, bổ sung và công bố tại hội thảo vẫn còn nguyên giá trị.
Thực hiện chỉ đạo của Thường vụ Thành ủy TPHCM, các cơ quan chức năng TPHCM tham gia hội thảo với tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tiết kiệm. TPHCM đã phối hợp với Bộ Quốc phòng, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam và các cơ quan chức năng chuẩn bị tốt về nội dung và chương trình hội thảo.
TPHCM cũng đã cố gắng chuẩn bị tốt nhất mọi công tác hậu cần, để hội thảo diễn ra thành công tốt đẹp, mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực, đúng với tầm vóc của sự kiện 75 năm Ngày Nam bộ kháng chiến.
TRẦN BÌNH