Năm học 2019-2010 là một năm học khá đặc biệt đối với bậc tiểu học, vì vừa phải hoàn thành nhiệm vụ năm học, ngành giáo dục vừa phải chuẩn bị triển khai chương trình phổ thông mới (GDPT), bắt đầu từ năm 2020-2021 với lớp 1.
Ông Thái Văn Tài, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD-ĐT) đã trao đổi về một số vấn đề xung quanh nội dung này.
* Phóng viên: Thưa ông, quy mô bậc tiểu học hiện nay đáp ứng với việc triển khai chương trình mới ra sao? Nhất là hiện nay còn nhiều lớp học sĩ số lên tới 50-60 em?
* ÔNG THÁI VĂN TÀI: Về quy mô trường lớp, hiện nay toàn quốc có khoảng 14.000 trường tiểu học trên tổng số hơn 11.000 đơn vị cấp xã. Tính bình quân, có hơn 1,3 trường tiểu học/1 đơn vị cấp xã. Số điểm trường khoảng hơn 16.000 điểm trường.
Với quy mô trường lớp như vậy, nếu thực hiện mục tiêu phổ cập tiểu học, là một thành quả rất lớn trong thời gian qua, đó là trường đến với thôn, buôn, để tạo thuận lợi nhất cho người học.
Vấn đề thứ hai, sĩ số học sinh trên lớp bình quân cả nước cách đây vài năm khoảng 28 em/lớp. Hiện nay với chủ trương dồn dịch, gộp các điểm trường nhằm đầu tư một cách bài bản để đón chương trình phổ thông mới, bước vào năm học 2019-2020, sĩ số bình quân là 30 em/lớp.
Như vậy, quy mô bậc tiểu học hiện nay rất hợp lý. Tỷ lệ giáo viên trên lớp hiện nay khoảng 1,4 giáo viên/lớp. Nhiều mô hình giáo dục tiên tiến của giáo dục thế giới đã được áp dụng tại Việt Nam và đều có cơ hội để triển khai. Những thành quả này được quốc tế đánh giá cao. Kết thúc chương trình GDPT hiện hành, chúng ta đã có một bước tiến tốt để bước vào triển khai chương trình GDPT mới.
Tuy nhiên, còn một số vùng khó khăn. Một số địa phương, vùng trung tâm phát triển nóng, tăng dân số cơ học cao dẫn đến sĩ số học sinh cao như Hà Nội, Hải Phòng, Bình Dương, TPHCM…
Áp lực sĩ số là có, tuy nhiên không phải cao đều mặt bằng chung, mà chỉ tập trung ở một vài vùng cá biệt. Khi thiết kế chương trình GDPT mới cũng tính trên tổng thể, chứ chúng ta không chỉ nhìn vào những nơi khó khăn mang tính cá biệt này.
Do đó, Bộ GD-ĐT đã tham mưu với Chính phủ có nhiều chính sách để phát triển giáo dục đối với những vùng này ngay từ bậc mầm non. Cụ thể như yêu cầu các tập đoàn kinh tế, khu công nghiệp phải chuẩn bị đầy đủ trường lớp để đáp ứng nhu cầu học tập của con em công nhân. Bộ cũng yêu cầu các địa phương tăng cường tuyên truyền việc phân tuyến tuyển sinh để khắc phục bước đầu áp lực sĩ số.
Chúng tôi cũng mong các bậc phụ huynh chia sẻ, chúng ta chấp nhận cho con đi học xa hơn một chút nhưng bảo đảm không quá áp lực về sĩ số. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa và giành các cơ sở vật chất hiện có để ưu tiên đủ lớp học cho học sinh. Những trường trong diện sĩ số lớp đông phải ưu tiên toàn bộ các phòng hành chính hoặc dồn lại để làm sao có phòng học cho học sinh. Bộ GD-ĐT vẫn đang cùng phối hợp với các địa phương để giải quyết, chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phân tuyến tuyển sinh.
* Một trong những yếu tố quyết định triển khai chương trình GDPT thành công, đó là đội ngũ giáo viên. Vậy đội ngũ giáo viên tiểu học đáp ứng đến đâu về số lượng và chất lượng cho chương trình mới?
* Hiện toàn ngành có gần 400.000 giáo viên tiểu học và tỷ lệ bình quân giáo viên trên lớp là 1,4. Theo quy định về những trường dạy học 2 buổi/ngày là 1,5 giáo viên/lớp. Những địa phương hiện nay chưa bố trí đủ giáo viên theo định mức đó thì phải tiến hành triển khai các đề án, kế hoạch tuyển dụng.
Khi tuyển dụng cần lưu ý phải cơ cấu đủ số giáo viên cho các môn học. Trong đó có những môn mà trước đây đang là tự chọn thì tới đây là bắt buộc như Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật… Những trường nào chưa có giáo viên Âm nhạc, Mỹ thuật thì phải tuyển.
Theo Luật Giáo dục sửa đổi, chuẩn giáo viên tiểu học là trình độ đại học. Hiện, theo thống kê đánh giá trên 60% số giáo viên tiểu học hiện nay có trình độ đào tạo đại học trở lên. Tức là còn gần 35% số giáo viên còn lại chưa đạt chuẩn thì chúng ta phải tăng cường tạo cơ hội để họ được học tập, bồi dưỡng.
Ở đây có một thực tế cần sự đánh giá khách quan là đa số giáo viên đang có trình độ trung cấp hoặc cao đẳng sẽ nghỉ hưu trong một vài năm tới. Chúng ta phải trân trọng sự cống hiến của đội ngũ này và phải có giải pháp riêng với các thầy cô.
Vì thế, cùng với việc chuẩn hóa đội ngũ giáo viên trẻ, cần chia sẻ để họ tự tin với kinh nghiệm và năng lực, tiếp tục cống hiến trong chương trình GDPT mới, chứ không phải bắt buộc các thầy cô đó phải đạt chuẩn bằng được. Bởi xét cho cùng, chuẩn giáo viên cũng chỉ là một trong điều kiện, còn lại là cả tâm huyết, kỹ năng, kinh nghiệm, lòng yêu nghề của thầy cô thế hệ trước.
Tôi muốn nhấn mạnh, chương trình GDPT mới là một chương trình mở, có tối thiểu bắt buộc và tối ưu của chương trình. Những nơi khó khăn mà địa phương chưa chuẩn bị sẵn sàng thì phải thực hiện được tối thiểu mà chương trình bắt buộc, đó chính là kế hoạch hiện hành đang thực hiện.
Qua thời gian, chúng ta sẽ thực hiện tối ưu của chương trình. Trách nhiệm của Bộ GD-ĐT là ban hành chương trình với độ mở phù hợp với chương trình của từng địa phương, còn trách nhiệm của các địa phương phải chuẩn bị điều kiện tốt nhất để con em mình hưởng được tối ưu của chương trình.
Bộ GD-ĐT sẽ hướng dẫn các địa phương với điều kiện thực tế thì triển khai ở mức tối thiểu hay tối ưu của chương trình. Địa phương nào chỉ đủ điều kiện triển khai tối thiểu là có lỗi với con em mình. Phải phấn đấu để triển khai tối ưu nhất, bởi chúng ta có các môn học bắt buộc, tự chọn, các hoạt động giáo dục.
* Thưa ông, trong chương trình mới, tiếng Anh là môn học quan trọng, nhưng thực tế hiện nay là giáo viên tiếng Anh rất thiếu?
* Trong chương trình hiện hành, tiếng Anh chưa phải là môn học bắt buộc, nhưng thực tế có tới 92% học sinh tiểu học học tiếng Anh. Để xây dựng một thế hệ công dân toàn cầu, tiếng Anh và Tin học là 2 môn học quan trọng. Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là hiện nay một vài địa phương dù biên chế còn, giáo viên vẫn thiếu nhưng khi tuyển thì rất khó ở một số môn, đặc biệt như tiếng Anh và Tin học. 2 môn này không phải thiếu nguồn mà chế độ tiền lương đối với giáo viên thấp hơn so với những cơ hội việc làm khác.
Một sinh viên tốt nghiệp ngành tiếng Anh hoặc Tin học có rất nhiều cơ hội việc làm ở những lĩnh vực khác. Khi so sánh thu nhập, người ta chọn hướng đi khác chứ không vào ngành giáo dục, trừ những người yêu nghề giáo.
Đặc biệt, giáo viên 2 môn này ở những vùng sâu, vùng xa càng khó tuyển. Do vậy, chúng tôi rất mong các cơ quan, ban ngành liên quan tính toán cải thiện chế độ tiền lương đối với ngành nghề đặc thù, trong đó có nghề giáo viên.