Được chọn thí điểm mở cửa lại một số cơ sở sản xuất, kinh doanh, quận 7 đã thực hiện rất thận trọng, từng bước. Trước mắt, quận 7 chỉ chọn 151 cửa hàng, doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chí an toàn với dịch bệnh mở cửa trở lại. Quận cũng công khai danh sách các cơ sở để người dân tiện trong mua bán, sử dụng dịch vụ.
Tuy nhiên, nhiều người dân không khỏi hụt hẫng với bảng danh sách, vì 60/151 cửa hàng, cơ sở là nhà thuốc. Có phường, nhà thuốc chiếm đến 11/19 cơ sở kinh doanh được mở cửa lại. Trên toàn quận chỉ có một số ít cửa hàng bán thức ăn đường phố hoặc kinh doanh vật liệu xây dựng. Trong khi đó nhà thuốc, cửa hàng gas vốn dĩ vẫn được hoạt động trong thời gian giãn cách nghiêm ngặt. Vì thế, nhiều ý kiến đề nghị quận 7 cần thí điểm đa dạng loại hình sản xuất, kinh doanh hơn, đặc biệt là cho phép các cơ sở sản xuất, cơ sở cung ứng sản phẩm cùng các mặt hàng, dịch vụ đi kèm để đảm bảo chuỗi hoạt động, sản xuất kinh doanh được thông suốt.
Sau một thời gian dài đóng cửa vì giãn cách, hầu hết các cơ sở sản xuất, kinh doanh đều có nhu cầu hoạt động trở lại. Rất nhiều chủ cơ sở kinh doanh chia sẻ, từ khi có thông tin thành phố nới lỏng giãn cách, họ đã chuẩn bị các điều kiện để được hoạt động lại. Tâm thế của người dân, doanh nghiệp đã sẵn sàng, với ý thức rõ ràng là “an toàn với dịch mới được tiếp tục hoạt động”. Do đó, trong kế hoạch nới lỏng từng bước, cho phép mở lại một số dịch vụ thiết yếu, chính quyền cũng cần tính toán từng loại hình sao cho phù hợp nhất và có tính đến giai đoạn sau thời gian thí điểm.
Quan trọng hơn, sau hơn 100 ngày giãn cách với các mức độ khác nhau, sự mở cửa trở lại của một số cơ sở sản xuất, kinh doanh là bước ngoặt quan trọng để TPHCM rút kinh nghiệm để từng bước chuyển sang trạng thái “bình thường mới”. Thế nên, việc thí điểm nhiều loại hình, quy mô khác nhau là rất quan trọng, vì đây cơ sở để có thể đánh giá được một cách tổng thể, giúp có sự điều chỉnh cách làm và chọn giải pháp phù hợp cho giai đoạn vừa chống dịch, vừa phục hồi kinh tế của thành phố.