Hiệu quả bảo vệ cao, phản ứng sau tiêm thấp
Bác sĩ CK2 Nguyễn Minh Tiến, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TPHCM, lưu ý, biến thể Omicron có tốc độ lây lan nhanh, nhất là ở đối trẻ em chưa được tiêm chủng. Bộ Y tế đã đánh giá, việc tiêm vaccine sớm không chỉ giúp bảo vệ trẻ mà còn có thể giúp bảo vệ các thành viên trong gia đình, bao gồm cả người không đủ điều kiện tiêm chủng hoặc có thể chuyển nặng nếu bị mắc bệnh. Tuy nhiên, qua khảo sát, không ít phụ huynh lo ngại tiêm vaccine sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe về sau cho trẻ, đặc biệt là tình trạng viêm cơ tim và chức năng sinh sản. Các nghiên cứu và thực tế cho thấy, bên cạnh những tác dụng phụ thì tác dụng của vaccine trong phòng ngừa chung cho cộng đồng và tránh nguy cơ bệnh trở nặng đã được chứng minh.
Loại vaccine Covid-19 tiêm cho trẻ em ở nước ta đã được tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) về độ an toàn và tính sinh miễn dịch tốt và sử dụng tiêm cho trẻ em ở nhiều quốc gia khác nhau. Ngoài ra, vaccine muốn lưu hành phải trải qua các quy trình kiểm soát chất lượng rất nghiêm ngặt. Vaccine tiêm cho trẻ là vaccine của Pfizer-BioNTech và Moderna đã được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt sử dụng, chứng minh tính an toàn của vaccine này trên trẻ em không khác biệt với người lớn.
Để bảo vệ trẻ em trước các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 không gì tốt hơn việc trẻ được tiêm chủng. Phụ huynh chỉ cần theo dõi một số phản ứng trẻ thường gặp sau tiêm như sưng đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau cơ, đau khớp, sốt nhẹ…
“Trước khi trẻ tiêm vaccine, phụ huynh, người giám hộ và nhà trường nên tìm hiểu về cách hỗ trợ trẻ trước, trong và sau tiêm. Bên cạnh đó, cần chia sẻ với trẻ về việc tiêm chủng; thông báo với bác sĩ về các loại dị ứng của trẻ. Trong 30 phút sau tiêm, cần quan sát trẻ có gặp phản ứng nghiêm trọng nào hay không. Sau đó, tiếp tục theo dõi 28-42 ngày sau tiêm, đặc biệt là trong vòng 7 ngày đầu sau tiêm chủng”, bác sĩ Nguyễn Minh Tiến nói.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, các nghiên cứu trên thế giới cho thấy phản ứng nghiêm trọng sau tiêm chủng rất thấp, không có sự khác biệt giữa trẻ và người lớn, hiệu quả bảo vệ của vaccine rất cao. Do đó, các bậc phụ huynh đừng ngần ngại bỏ lỡ cơ hội tiêm phòng cho trẻ.
TPHCM chia trẻ thành 3 phân nhóm tiêm chủng
Theo báo cáo của Sở Y tế TPHCM, hiện thành phố có 898.537 trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, trong đó có 885.730 trẻ đi học và 12.807 trẻ đang nuôi dưỡng ở các cơ sở bảo trợ xã hội, chưa đi học. Đợt tiêm vaccine này cũng được thực hiện như đợt tiêm vaccine cho trẻ từ 12 đến dưới 18 tuổi trước đó, nhưng được chuẩn bị kỹ hơn vì tiêm cho trẻ ở độ tuổi nhỏ hơn. Vì vậy, tốc độ tiêm dự kiến sẽ chậm hơn, khoảng 50 trẻ/buổi; thời gian tiêm cũng kéo dài hơn, dự kiến trong vòng 1 tháng. Hiện TPHCM đã tiến hành lập danh sách trẻ em có ngày sinh từ 1-4-2017 trở về trước.
Thành phố chia trẻ thành 3 phân nhóm tiêm chủng. Nhóm thứ nhất là những trẻ đi học sẽ được tiêm tại trường, hoặc điểm tiêm do cơ sở giáo dục phối hợp với y tế địa phương bố trí sắp xếp. Nhóm thứ hai là trẻ không đi học, sẽ được tiêm tại các điểm tiêm cố định, hoặc lưu động. Nhóm thứ ba là những trẻ đang điều trị bệnh tại các bệnh viện và sẽ được tiêm tại đây.
Ông Nguyễn Hồng Tâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), cho biết, ngày 28-3, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo về việc tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo đó, yêu cầu Sở Y tế các địa phương phối hợp với Sở GD-ĐT thành phố lập danh sách đối tượng trong độ tuổi tiêm chủng. Bên cạnh đó, xây dựng kế hoạch chuẩn bị việc tiêm chủng và có thể triển khai nhanh khi có lượng phân bổ vaccine.
“Trước đây, khi Bộ Y tế có chủ trương tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi, ngành y tế TPHCM đã có một số bước chuẩn bị như: phối hợp với Sở GD-ĐT, Sở LĐTB-XH và chính quyền địa phương lập danh sách số trẻ trong độ tuổi (khoảng 900.000 trẻ, trong đó có khoảng 12.000 trẻ chưa đi học, không đi học). Hiện TPHCM đã chuẩn bị xong công tác tiêm chủng vaccine cho trẻ như: tổ chức tập huấn về nhập liệu, khám sàng lọc, tiêm chủng…”, ông Nguyễn Hồng Tâm cho biết. TPHCM đã sẵn sàng và đang chờ hướng dẫn của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và vaccine phân bổ về thành phố để thực hiện tiêm chủng ngay.
PGS-TS ĐỖ VĂN DŨNG, Trường Đại học Y Dược TPHCM: Thời điểm thích hợp Việc triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi ở thời điểm này là phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế. Thực tế tại Mỹ, châu Âu đã triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và kết quả cho thấy đều an toàn, hiệu quả. Hiện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã khuyến cáo sử dụng vaccine Covid-19 cho trẻ em từ 5 tuổi để bảo vệ khỏi nguy cơ virus SARS-CoV-2 xâm nhập. |