Kỳ vọng vào cuối năm
Theo đánh giá của nhiều doanh nghiệp, những tháng đầu năm 2024, sức mua của thị trường vẫn còn yếu, nhiều ngành hàng từ thời trang, gia dụng cho tới thực phẩm… đều chưa đạt kỳ vọng doanh thu đề ra.
Điển hình như lĩnh vực kinh doanh lương thực thực phẩm. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, chia sẻ, nếu như những năm trước tăng trưởng của ngành chế biến lương thực ở mức 8% thì sang năm 2024, mức tăng chỉ còn 7%. “Thị trường nội địa đang đối diện sức mua giảm là nguyên nhân chính khiến tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến lương thực bị sụt giảm theo”, bà Lý Kim Chi nhận định.
Mặc dù vậy, bà Chi cho biết các doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp thực phẩm nói riêng, kỳ vọng nhiều vào các tháng kinh doanh cuối năm. Bởi lẽ thông thường, thời điểm cuối năm, người tiêu dùng sẽ mua sắm mạnh tay hơn để chuẩn bị cho những ngày lễ, tết như Giáng sinh, Tết dương lịch, Tết nguyên đán… “Đôi khi chỉ cần 2 tháng cuối năm có khi bằng lượng hàng bán cả năm vì vậy các doanh nghiệp rất chú trọng chuẩn bị sản xuất hàng cho các tháng cuối năm”, bà Lý Kim Chi chia sẻ.
Thực tế, không riêng ngành sản xuất chế biến thực phẩm mà doanh nghiệp ở nhiều ngành hàng khác như gỗ, dệt may, điện máy cũng hi vọng doanh thu các tháng cuối năm 2024 sẽ khả quan hơn.
Chủ động hàng hóa từ sớm
Từ nhận định thị trường cuối năm lượng tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm sẽ tăng, các doanh nghiệp từ sản xuất đến bán lẻ đều đã có kế hoạch chủ động nguồn hàng riêng. Đơn cử trong lĩnh vực sản xuất, Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ súc sản (Vissan) đã xây dựng các giải pháp chuẩn bị tốt nguồn nguyên liệu như: đẩy mạnh chiến lược phát triển nguồn nguyên liệu heo hơi theo hướng Feed - Farm - Food, xây dựng các liên kết, hợp tác về nguồn nguyên liệu heo hơi với các đơn vị chăn nuôi lớn nhằm đảm bảo nguồn heo hơi ổn định dài hạn.
Đáng chú ý, Vissan sẽ tập trung triển khai mở rộng kinh doanh các sản phẩm thịt heo, thịt bò đến nhiều kênh phân phối khác nhau để phù hợp xu thế. Doanh nghiệp này dự kiến ra mắt dòng sản phẩm mới, chú trọng vào tính tiện lợi và nhanh chóng như các dòng sản phẩm chả lụa que hướng đến phân khúc khách hàng trẻ. Ở lĩnh vực bán lẻ, Liên hiệp HTX Thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cho biết, thị trường đang có nhiều biến động, trong đó nổi cộm là giá nguyên liệu đầu vào tăng đã và đang tác động đến giá thành hàng hóa.
Trong bối cảnh đó, để có nguồn hàng với số lượng lớn, giá cả ổn định, không bị tác động bởi yếu tố thị trường, Saigon Co.op đã hợp tác với nhà phân phối trong việc đặt hàng dài hạn từ 3-5 năm, giúp họ có kế hoạch sản xuất, chủ động nguồn hàng. Ngoài ra, với nhiều nhà cung cấp là HTX, các doanh nghiệp nhỏ và vừa… sẽ được Saigon Co.op hỗ trợ nguồn tài chính thông qua kết nối với ngân hàng và Saigon Co.op là đối tác trung gian đảm bảo đầu ra cho hàng hóa sau sản xuất.
Chia sẻ lý do ký kết hợp tác dài hạn với nhà sản xuất, theo ông Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Tổng giám đốc Saigon Co.op, với kinh nghiệm là nhà bán lẻ thuần Việt, lâu đời nhất tại thị trường Việt Nam, Saigon Co.op nhận thấy nếu chỉ hợp tác ngắn hạn, hệ thống phân phối khó hỗ trợ nhà cung ứng chủ động sản xuất, dễ gây mất ổn định giá thành. Vì thế, ngoài hợp tác dài hạn, tùy thời điểm, Saigon Co.op có dự báo cung - cầu của thị trường để nhà sản xuất có kế hoạch cung ứng phù hợp.
Trong kế hoạch cung ứng hàng hóa cho các tháng cuối năm, ông Thắng khẳng định, Saigon Co.op sẽ nỗ lực đảm bảo phân phối hàng hóa cho thị trường, trong đó trên 90% hàng hóa trên quầy kệ là hàng Việt. Song song đó, Saigon Co.op bổ sung nguồn hàng ngoại nhập nhất định để giúp đa dạng sản phẩm, đáp ứng tốt hơn thị hiếu người tiêu dùng.
Theo Bộ NN-PTNT, 7 tháng đầu năm 2024, hoạt động sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản ổn định, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi cơ bản được kiểm soát, giảm thiểu tối đa thiệt hại. Với những kết quả này, Bộ NN-PTNT khẳng định có thể yên tâm về nguồn cung thực phẩm trong các tháng cuối năm.