Chuẩn bị sớm cho tuổi già

Lớp trẻ ngày nay đã lên kế hoạch cho tuổi già từ rất sớm, trong đó, không ít người đã lựa chọn hướng tới các viện dưỡng lão. Quan niệm về già sống cùng con cháu để nhận được sự chăm sóc, hiếu thuận đang ngày càng thay đổi…

Người cao tuổi được hướng dẫn làm lồng đèn Trung thu tại Genki House, một tổ hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại quận 7, TPHCM
Người cao tuổi được hướng dẫn làm lồng đèn Trung thu tại Genki House, một tổ hợp chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại quận 7, TPHCM

Giảm gánh nặng cho con cháu

Vừa bước sang tuổi 30, vợ chồng chị Ngọc Anh (quận Gò Vấp, TPHCM) đã vội tìm các thông tin liên quan đến giá cả tại một số viện dưỡng lão trên địa bàn TPHCM. Mức giá tại các cơ sở công lập từ 3-8 triệu đồng/người mỗi tháng, còn đơn vị tư nhân từ 14-18 triệu đồng/người…

“Chúng tôi tham khảo mặt bằng giá cả để lên kế hoạch lâu dài cho tương lai. Các con sẽ có cuộc sống của riêng chúng. Vợ chồng tôi không muốn trở thành gánh nặng cho tụi nhỏ. Ngoài ra, khi về già nếu chọn viện dưỡng lão mình sẽ được chăm sóc bài bản, khoa học với đội ngũ y bác sĩ có chuyên môn”, chị Ngọc Anh chia sẻ.

Mong muốn tương lai không phụ thuộc con cháu, anh Nguyễn Văn Lê, 35 tuổi (ngụ quận Tân Phú) và vợ có những kế hoạch cụ thể. Chẳng hạn, 2 vợ chồng đã tích lũy mua mảnh vườn nhỏ ở quê gần nhà ba, mẹ và trồng cây ăn trái... Ở TPHCM, đôi vợ chồng này vẫn duy trì trả góp căn hộ chung cư trong thời gian 25 năm; mua bảo hiểm sức khỏe, nhân thọ… cho cả gia đình.

Theo anh Lê, cuộc sống nhiều bất trắc, nên vợ chồng anh lên sẵn kế hoạch dự phòng cho cả gia đình. Mục tiêu vẫn là vợ chồng không “trắng tay” khi đã dốc lực chăm lo cho 2 con học hành, trưởng thành. Nhìn lại mảnh vườn ở quê, vợ chồng anh Lê thấy vui vì cây trái trĩu quả. Sau khi trừ chi phí (phân bón, thuê người làm), gia đình anh còn lời được mớ trái cây và khá nhiều rau sạch. Chưa kể, về lâu dài đây vẫn là khoản đầu tư có lợi, tránh trượt giá, đồng thời còn được xem như khoản tiền dưỡng già.

“Cứ nhìn cảnh mẹ mình chăm lo cho ông gần 90 tuổi không minh mẫn mà thấy thương. Nhiều lúc ông gắt gỏng, đánh đuổi mẹ nữa. Nên vợ chồng mình mong, khi về già sẽ sống ở viện dưỡng lão hoặc sống riêng và thuê người chăm sóc, tránh phiền con cháu”, anh Nguyễn Văn Lê kể lại chuyện nhà mình.

Cùng chung tâm trạng với anh Lê, chị Hoàng Uyên, 41 tuổi (ngụ quận Gò Vấp) cũng có sự chuẩn bị từ 10 năm trước, khi tìm mua vài ngàn mét vuông đất tại huyện Tân Trụ (Long An) để làm nhà vườn. Mảnh đất đã được chuyển thổ khoảng 200m2 còn lại là đất vườn.

Do xác định không lập gia đình, chị Uyên đã rủ một nhóm bạn thân, hẹn về già sẽ cùng về đây sinh sống… Theo chị Uyên, mảnh đất sẽ xây làm nhà vườn, thuê người giúp việc. Bạn bè chị có người làm bác sĩ, người kinh doanh đều chung ý tưởng về già quây quần sống cùng nhau, không phiền lụy con, cháu.

Sẵn sàng cho tuổi già vui khỏe

Ở các đô thị lớn, nhiều gia đình chỉ sinh 1-2 con do áp lực công việc, cuộc sống. Chính vì vậy, nhiều vị phụ huynh trẻ tuổi cũng chủ động hơn trong cuộc sống, với những hướng đi được vạch ra chi tiết, rõ ràng. Chị Nguyễn Thanh (nhân viên công ty du lịch ở quận 1) tâm sự, với mức lương trung bình như hiện nay, rất khó để đến khi nghỉ hưu có thể trả chi phí viện dưỡng lão mỗi tháng.

Vì vậy, vợ chồng chị cũng như nhiều người bạn khác phải làm thêm đủ nghề như phiên dịch, dạy học, bán hàng online… để một mặt trang trải chi phí sinh hoạt, mặt khác tích góp nhằm chuẩn bị cho cuộc sống sau này khi về hưu, trong đó viện dưỡng lão là một lựa chọn ưu tiên.

Anh Trương Văn, 48 tuổi (ngụ quận 4), đang chăm sóc mẹ ruột gần 90 tuổi bị bệnh tuổi già, lúc nhớ lúc quên. Anh Văn tâm sự, có chăm người bệnh mới thấy mình rất thiếu kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, bởi chỉ chăm bằng tình thương yêu thì chưa đủ. Thấy bệnh của mẹ ngày càng nặng, anh Văn đã nhờ đến sự hỗ trợ của bác sĩ lão khoa, thuê điều dưỡng giúp việc theo giờ để theo dõi sức khỏe bà. Nhờ vậy, bà cụ giờ sống lạc quan, vui vẻ hơn…

Trên thực tế, người già thường trái tính, trái nết. Người già thích ăn đồ mềm, còn lớp trẻ lại thích ăn giòn, do răng còn khỏe, hệ tiêu hóa tốt. Đôi khi lớp trẻ thích ồn ào, náo nhiệt, người lớn tuổi lại muốn yên tĩnh, mong có người chuyện trò… Từ đó, mâu thuẫn gia đình rất dễ nổ ra.

Anh Nguyễn Văn Duy, 57 tuổi, giáo viên một trường THCS ở quận Gò Vấp, kể lại câu chuyện gia đình, rằng ba mẹ vợ rất tâm lý nên chủ động ở riêng chứ không sống cùng con gái út. Nhà ba mẹ vợ ở chung vách nhà con rể, có gì cần ông bà sẽ gọi điện sang nhờ hỗ trợ.

Các chuyên gia nhìn nhận, qua tuổi trẻ sẽ đến tuổi già. Nếu không chuẩn bị kỹ cho tuổi già ngay khi ta còn trẻ, thì lúc tuổi già ập đến, không ít người sẽ thiếu sự bình tĩnh đón nhận. Ngoài sự chuẩn bị về tâm lý, sức khỏe, sự chuẩn bị về kinh tế cũng là điều cực kỳ quan trọng để có được một tuổi già an vui, bớt lệ thuộc con cháu.

Liên hợp quốc dự báo đến năm 2050, số người trong nhóm từ 60 tuổi trở lên tại châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, sẽ tăng vọt lên 1,3 tỷ người, chiếm khoảng 25% dân số ở khu vực này. Hơn 30% số người cao tuổi có triệu chứng trầm cảm gia tăng, trong đó nhiều người nói rằng họ cảm thấy bị cô lập hoặc cô đơn. Các chuyên gia cho rằng, cái giá phải trả cho việc không hành động trước xu hướng già hóa dân số ở châu Á - Thái Bình Dương sẽ rất đắt đỏ, bao gồm tình trạng khốn khó của công dân cao tuổi, sự bất bình đẳng ngày càng gia tăng, thiếu gắn kết xã hội, chi phí y tế và lương hưu tăng vọt. Ngược lại, nếu hành động và có sự chuẩn bị từ sớm cho tuổi già, người cao tuổi sẽ có nhiều cơ hội sống lâu, sống vui và khỏe hơn!

Tin cùng chuyên mục