Theo ông Mai Sơn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Giang, Trưởng Ban tổ chức Lễ hội kỷ niệm 140 năm khởi nghĩa Yên Thế, đây là sự kiện lớn, hiện tỉnh Bắc Giang đang gấp rút hoàn thành các hạng mục để đưa vào lễ hội gồm: cổng nghi môn, đường vào khu di tích khởi nghĩa Yên Thế, đền thờ Lương Văn Nắm, đền thờ Hoàng Hoa Thám và nghĩa quân Yên Thế… Lễ hội kỷ niệm khởi nghĩa Yên Thế diễn ra từ ngày 15-3 đến 17-3. UBND tỉnh Bắc Giang giao Sở TT-TT tỉnh Bắc Giang tổ chức họp báo về lễ hội này (dự kiến vào ngày 7-3).
Trong lịch sử cận đại Việt Nam, cuộc khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp xâm lược là cuộc khởi nghĩa lâu dài nhất, oanh liệt nhất trong giai đoạn cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX.
Người đầu tiên có công xây dựng căn cứ khởi nghĩa ở vùng Yên Thế là Lương Văn Nắm (tức Đề Nắm). Năm 1892 ông mất, sự nghiệp được giao lại cho Phó tướng Hoàng Hoa Thám (tức Đề Thám) lãnh đạo.
Kéo dài gần 30 năm (1884-1913), cuộc khởi nghĩa có vai trò, vị trí to lớn trong lịch sử dân tộc, thể hiện tinh thần thượng võ, ý chí bất khuất của dân tộc ta chống quân xâm lược.
Anh hùng Hoàng Hoa Thám, linh hồn của cuộc khởi nghĩa Yên Thế, tên thật là Trương Văn Nghĩa, quê làng Dị Chế, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên, sau di cư lên Sơn Tây (nay bao gồm một phần ngoại thành Hà Nội), rồi lại lên Yên Thế (Bắc Giang).
Về năm sinh của người anh hùng Hoàng Hoa Thám, nhiều tài liệu viết về ông không thống nhất (các năm 1840, 1845, 1846, 1858, 1864). Dựa trên các tư liệu mới phát hiện, đã xác định được chính xác năm sinh của Hoàng Hoa Thám là 1836. Đây là kết quả hàng chục năm nghiên cứu của TS Khổng Đức Thiêm về Hoàng Hoa Thám và cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Cuốn sách Hoàng Hoa Thám (1836-1913) của TS Khổng Đức Thiêm đã được GS sử học Phan Huy Lê đánh giá là "Tập đại thành về người anh hùng Hoàng Hoa Thám".