Các đại biểu (ĐB) Quốc hội cơ bản nhất trí sự cần thiết ban hành luật; nhất trí việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự luật theo trình tự, thủ tục rút gọn.
4 luật mà Chính phủ trình có hiệu lực sớm đều là những đạo luật lớn, rất quan trọng, thể hiện quyết tâm rất lớn của Chính phủ trong việc sớm đưa các luật này vào cuộc sống nhằm khắc phục những điểm nghẽn, khó khăn, vướng mắc, giúp cho việc sớm giải phóng các nguồn lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, nhiều ĐB nêu thực tế vừa qua có những luật có hiệu lực thi hành nhưng vẫn phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành.
Do đó, để các luật có hiệu lực sớm hơn thì các văn bản hướng dẫn chi tiết phải được chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai khi các luật có hiệu lực thi hành.
Các ý kiến đề nghị Chính phủ quan tâm, đánh giá tác động toàn diện khi đẩy sớm hiệu lực thi hành của 4 luật; tập trung làm rõ những tác động đến quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, doanh nghiệp, người dân để có giải pháp xử lý thích hợp, bảo đảm lợi ích tối ưu cho nhà nước, doanh nghiệp, người dân; đánh giá rõ và sâu hơn các điều kiện bảo đảm thực hiện.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TPHCM) băn khoăn, vấn đề thời điểm hiệu lực sớm hơn không chỉ là thời gian mà còn là tính tác động. Nhiều hợp đồng, thỏa thuận ký kết, nhiều dự án kinh doanh, bất động sản, giao dịch... đã lấy mốc từ ngày 1-1-2025. Nên nếu đẩy sớm hiệu lực thi hành lên 5 tháng thì liệu có gây thiệt hại, bất lợi cho khu vực, bộ phận kinh tế nào đó?
ĐB cũng lo ngại, các văn bản hướng dẫn liệu có kịp chuẩn bị. Việc có hiệu lực sớm hơn có nhiều cái lợi, nhưng về luật pháp phải xem xét các tác động nhiều mặt, do đó cần phải giải thích rõ hơn để cử tri, đặc biệt khu vực doanh nghiệp bất động sản hiểu rõ.
ĐB Nguyễn Minh Đức (TPHCM) đặt vấn đề, chỉ còn hơn 1 tháng các luật này sẽ có hiệu lực (nếu Quốc hội thông qua), trong khi đó còn nhiều văn bản hướng dẫn chưa chuẩn bị xong. Do đó, các cơ quan cần huy động tối đa nguồn lực để hoàn thiện văn bản, có như thế, nghị định mới sớm áp dụng, hạn chế được tình trạng “nghị định to hơn luật, thông tư to hơn nghị định”. Bên cạnh đó, ĐB cũng đặt câu hỏi: đẩy sớm thực hiện luật thì các vướng mắc hiện nay của thị trường bất động sản có giải quyết được ngay không? Ví dụ, TPHCM đang có hàng trăm dự án bất động sản bị vướng, nếu đẩy sớm các luật thì có đầy đủ văn bản hướng dẫn để tháo gỡ hay không?
ĐB Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM cũng chung băn khoăn này. Theo đồng chí, thực hiện sớm sẽ có lợi cho doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên cần chuẩn bị kỹ các văn bản hướng dẫn kịp thời. TPHCM cũng đang rốt ráo chuẩn bị ban hành 11 văn bản hướng dẫn cho 20 nội dung để kịp thời triển khai các luật này từ ngày 1-8-2024.
Theo ĐB Trần Hoàng Ngân (TPHCM), chắc chắn thi hành luật sớm sẽ đem lại nhiều lợi ích. Tuy nhiên, ĐB băn khoăn và lo ngại nhất là có tác động, tranh chấp, do đó đề nghị xem xét bổ sung 1 điều khoản để có thể giải quyết tranh chấp (nếu có), hạn chế tác động bất lợi khi luật có hiệu lực.
ĐB mong muốn bộ, ngành địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng chất lượng văn bản ban hành chi tiết, tránh ban hành xong lại điều chỉnh.
ĐB Trần Anh Tuấn (TPHCM) cũng cho rằng, đây là một thách thức cho các địa phương. Thông thường địa phương phải căn cứ vào hướng dẫn của Trung ương để đồng bộ. Nhưng hiện nay Trung ương chưa ban hành nghị định, thông tư, chỉ mới có 1 số, nên địa phương rất khó khăn trong xây dựng các văn bản, do đó để việc thực thi luật sớm thực sự có ý nghĩa, cần đẩy nhanh tiến độ ban hành các văn bản hướng dẫn.