Việc xây dựng dự thảo nghị quyết được TPHCM phối hợp cùng các bộ, ngành trung ương thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, kỹ lưỡng và chặt chẽ.
Phát huy tiềm năng, lợi thế
Qua 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, thành phố đã đạt được những thành tựu nổi bật, tiếp tục khẳng định vai trò là đầu tàu kinh tế, trung tâm văn hóa, y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, đầu mối giao thông và giao lưu lớn của cả nước, khu vực và quốc tế. Dù vậy, việc thực hiện Nghị quyết 54 vẫn còn những tồn tại, hạn chế với các nguyên nhân chủ quan và khách quan.
Công chức phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân, TPHCM tiếp nhận giải quyết thủ tục hành chính cho người dân. Ảnh: NGÔ BÌNH |
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chia sẻ, quá trình chuẩn bị, xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được TPHCM phối hợp cùng các cơ quan trung ương thực hiện công phu, kỹ lưỡng, chặt chẽ. Trong đó, thành phố đã tổ chức nhiều hội thảo, tọa đàm tiếp thu góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học, các đại biểu Quốc hội.
Các đại biểu dự tọa đàm Thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 do Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức ngày 30-3. Ảnh: VIỆT DŨNG |
"Chính phủ đã chuẩn bị nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 rất công phu. Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ phấn đấu trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ 5, sớm hơn thời hạn hết hiệu lực củaNghị quyết 54" - Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ
(Phát biểu tại phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 9-5)
Theo nhiệm vụ được phân công, Bộ KH-ĐT cũng tổ chức 14 cuộc họp giữa tổ biên tập với các bộ, ngành và TPHCM; tổ chức hội thảo lấy ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học. Có 16/16 bộ, ngành tham gia góp ý vào dự thảo nghị quyết. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng chủ trì họp với Bộ KH-ĐT, Bộ Tư pháp và TPHCM về dự thảo nghị quyết. Từ ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng và góp ý của các hộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, Bộ KH-ĐT đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết với mục tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội nhằm tạo cơ sở pháp lý hữu hiệu để phát huy tiềm năng, lợi thế, tạo đột phá, giải quyết các điểm nghẽn, nút thắt về phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Chính sách tạo đột phá
Theo UBND TPHCM, với việc thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết 54, tiến độ thực hiện các dự án nhóm A nhanh hơn; đời sống của cán bộ, công chức, viên chức được cải thiện, giúp khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước. Việc đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn thành phố, phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.
Tuy nhiên, “chiếc áo thể chế” mà siêu đô thị TPHCM đang mặc thì rất chật, nên cần có nghị quyết mới với những chính sách vượt trội mà Nghị quyết 54 chưa đáp ứng được. Tại tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 do đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức vào ngày 30-3, GS-TS Vũ Trọng Hoài, Trường Đại học Kinh tế TPHCM, nhận xét, Nghị quyết 54 đã trao quyền nhưng vẫn còn ràng buộc bởi các nghị định, thông tư.
Vì thế, cơ chế, chính sách mới phải “gỡ” được những vướng mắc này. Đồng tình, PGS-TS Phan Thanh Bình, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cũng chia sẻ, thành phố cần được phân cấp ủy quyền mạnh mẽ và được chủ động thực hiện những vấn đề đã được phân cấp; được tạo động lực phát triển để tiếp tục đóng góp nhiều hơn cho cả nước.
Trong các buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV của đoàn ĐBQH TPHCM mới đây, cử tri TPHCM bày tỏ mong muốn sớm có các cơ chế chính sách đặc thù để TPHCM phát triển vượt trội, xứng tầm.
Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, quá trình xây dựng dự thảo nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 được thực hiện khẩn trương, nghiêm túc, đúng với các quy định của pháp luật. Thành phố chuẩn bị dự thảo nghị quyết công phu với khoảng 40 nội dung về cơ chế, chính sách theo 4 nhóm, trong đó có nhóm các cơ chế chính sách mới.
Đặc biệt, TPHCM đề nghị thí điểm những cơ chế đột phá, vượt trội để huy động nguồn lực xã hội phát triển thành phố, từ đó đóng góp cho sự phát triển chung của cả nước. Dự thảo nghị quyết lần này cũng tập trung đề xuất các cơ chế, chính sách giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng, về đô thị, ngập nước, xử lý rác thải hay việc phân cấp, phân quyền mạnh hơn cho thành phố để thành phố giải quyết các vấn đề của mình nhanh chóng hơn.