Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết, dự án cầu Rạch Miễu 2 góp phần từng bước hoàn thiện mạng lưới giao thông trong khu vực, đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao trên QL60, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng 2 tỉnh Tiền Giang và Bến Tre nói riêng và khu vực ĐBSCL nói chung; giảm ùn tắc, tai nạn giao thông. Đồng thời rút ngắn thời gian từ TPHCM đi Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau...
Dự án cầu Rạch Miễu 2 đã được Bộ GTVT phê duyệt với tổng mức đầu tư 5.175 tỷ đồng và đường gom được UBND tỉnh phê duyệt có tổng mức đầu tư khoảng 1.158 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Ông Tam nói thêm, việc đầu tư xây dựng đường gom, đường vào cầu Rạch Miễu 2 góp phần đảm bảo kết nối thuận lợi cho dân cư 2 bên đường dẫn, đồng bộ với các quy hoạch khu đô thị trong khu vực đã và đang được triển khai, góp phần thay đổi bộ mặt đô thị, mỹ quan đô thị, phát triển kinh tế khu vực.
Điểm đầu dự án tại ngã tư Đồng Tâm (nút giao giữa QL1 với đường tỉnh 870) thuộc địa phận huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Điểm cuối nằm trên QL60 (thuộc địa phận TP Bến Tre, tỉnh Bến Tre).
Cầu Rạch Miễu 2 sẽ được thực hiện từ năm 2021-2025 và đưa vào khai thác trong năm 2025, chậm nhất vào năm 2026.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bến Tre, dự án cầu Rạch Miễu 2 có tổng diện tích đất thu hồi khoảng 48ha, với khoảng 800 hộ thuộc 4 xã của huyện Châu Thành và 2 xã của TP Bến Tre.
Cầu Rạch Miêu 2 cách cầu Rạch Miễu hiện hữu 3,8km về phía thượng lưu. Sau khi đưa cầu Rạch Miễu 2 vào sử dụng, góp phần giảm tải cho cầu Rạch Miễu hiện hữu.Theo ông Hà Ngọc Nam, Phó Giám đốc Công ty BOT cầu Rạch Miễu, hiện phương tiện xe cơ giới qua trạm BOT cầu Rạch Miễu đã tăng trưởng bình quân gấp 6-7 lần so với thời điểm lập dự án (năm 2001-2003).
Trước tình trạng cầu Rạch Miễu quá tải, tỉnh Bến Tre đã làm bến phà tạm để "chia lửa", nhưng tình trạng kẹt xe ở cầu vẫn diễn ra thường xuyên, nhất là dịp cuối tuần, lễ, tết.