Tuy nhiên, nền công nghiệp 4.0 cũng tiềm ẩn những rủi ro khôn lường, trong đó đội ngũ công nhân lao động sẽ chịu ảnh hưởng đầu tiên, nhiều người không thể hội nhập được và bị gạt ra khỏi môi trường cạnh tranh khốc liệt của thị trường lao động.
Hành động sớm trước khi quá muộn
TS Trần Anh Tuấn, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã có nhiều năm nghiên cứu và đề xuất những giải pháp xây dựng nguồn nhân lực cho công nghiệp 4.0 ở TPHCM với những kiến nghị thay đổi rất mạnh mẽ. Ông nói: “Đào tạo phải gắn với nhu cầu, khi đào tạo xong có thể cung cấp lao động cho DN và họ có thể sử dụng được ngay. Nhưng có một thực tế là hầu hết nhân lực sau khi các trường cao đẳng, trung cấp, dạy nghề đào tạo ra là các DN phải đào tạo lại do không đáp ứng được yêu cầu về tay nghề, khả năng làm việc. Giải pháp cho công tác đào tạo nguồn nhân lực bây giờ là phải thay đổi toàn bộ chương trình và nội dung đào tạo theo yêu cầu của công nghiệp 4.0. Không chỉ đào tạo về trình độ kỹ thuật, mà còn trang bị cho người lao động khả năng tư duy sáng tạo. Ngoài nền tảng kỹ thuật, tay nghề, người thợ phải có tư duy thích ứng với sự thay đổi và biết cách xử lý các tình huống thay đổi”.
Ông Chu Tiến Dũng, Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Sài Gòn, cũng có nhiều trăn trở với đội ngũ lao động đã qua đào tạo hiện nay. Theo ông Dũng, hàng năm chúng ta đã bỏ ra nguồn kinh phí đào tạo rất lớn mà vẫn không đáp ứng được yêu cầu của các DN. Tình trạng thừa lao động đã qua đào tạo nhưng lại thiếu lao động thuần thục kỹ năng làm việc và khả năng sáng tạo đang diễn ra khá phổ biến. Sự bất hợp lý này nếu không sớm thay đổi sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển đối với các ngành kinh tế, kỹ thuật mũi nhọn của TPHCM và cả nước. Ông Dũng kiến nghị giải pháp để thay đổi thực trạng này, trước tiên, các DN nhỏ và vừa có cùng ngành nghề, lĩnh vực liên kết lại với nhau, hợp tác với các DN chế tạo thiết bị hay các trường đại học để cho ra những dây chuyền công nghệ hiện đại, tự động hóa cao. Cùng với đó là gắn công tác đào tạo nghề theo kỹ thuật, công nghệ mới để có lao động ngay, không phải chờ đợi khi đi vào sản xuất.
Đó là hướng đi đúng, tiết kiệm được thời gian, chi phí xã hội và đáp ứng được nguồn nhân lực cho nền công nghiệp 4.0. Nhiều DN hiện nay đã đi theo cách này nên không phụ thuộc nhiều vào nguồn nhân lực sẵn có do các trường nghề, trung tâm đào tạo cung cấp. Trung tâm đào tạo thuộc Khu Công nghệ cao TPHCM được xem là đơn vị tiên phong trong phương pháp đào tạo mới để bổ sung nguồn lực trí tuệ và nguồn lực sáng tạo cho các DN khi đưa công nghiệp 4.0 vào sản xuất. Thông qua tài trợ của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), tháng 6-2018, Khu Công nghệ cao TPHCM đã thành lập Trung tâm Đào tạo và chuyển giao công nghệ Việt - Nhật (Trung tâm Việt - Nhật), với 3 ngành đào tạo chính là cơ điện tử, robot công nghiệp và tự động hóa với robot. Ngay khi đi vào hoạt động, Trung tâm Việt - Nhật đã ký kết hợp tác với Tập đoàn Nidec, Mitsubishi, TPA và HAMEE đào tạo trình độ kỹ sư tài năng và kỹ thuật sáng tạo. Phương thức đào tạo của Trung tâm Việt - Nhật là liên kết giữa DN có công nghệ tự động hóa cao với các DN có nhu cầu về lao động để đào tạo lao động theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0 của quốc tế, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành sản xuất tự động hóa của Việt Nam và xuất khẩu ra các nước trong khu vực.
TS Trần Anh Tuấn: Cần có chính sách ưu đãi về tiền lương, nhà ở, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ lao động có kỹ thuật cao, tạo môi trường làm việc phù hợp để họ phát huy trình độ và khả năng sáng tạo. Nếu không có chính sách thu hút ngay từ bây giờ, trong thời gian tới chúng ta sẽ tiếp tục thiếu hụt nguồn nhân lực đáp ứng cho yêu cầu của công nghiệp 4.0 đang đòi hỏi rất lớn |
Theo GS Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, nhận thức của xã hội về công nghiệp 4.0 còn có những cách hiểu khác nhau. Máy móc dù có tối tân đến thế nào cũng không thể thay thế được cho con người. Máy móc là sản phẩm do trí tuệ con người tạo ra, nó vẫn phải thông qua hoạt động sáng tạo của con người. Có quan điểm đã tuyệt đối hóa công nghệ và trí tuệ nhân tạo, xem nhẹ nhân tố con người. Điều này là sai lầm, dễ dẫn đến sai lệch về chính sách. Về lý luận, Đảng ta đã xác định từ Đại hội Đảng lần thứ X, với phát hiện có 3 điểm nghẽn của phát triển. Trong đó, điểm nghẽn lớn nhất là chất lượng nhân lực thấp, muốn phát triển thì phải đột phá về nhân lực chất lượng cao. Công nghiệp 4.0 tạo cơ hội để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bằng cách nâng cao chất lượng đào tạo lên, nhất là ở bậc đại học. Phải đẩy cải cách giáo dục lên một bước nữa, gắn chặt các nhân tố khoa học kỹ thuật công nghệ với nhân tố xã hội, kể cả sửa đổi về thể chế cho phù hợp, để tạo ra cơ hội cho sự phát triển các năng lực sáng tạo của con người. Phải xuất phát từ nhận thức chất lượng của con người là nguồn vốn quý nhất của xã hội. Con người là nguồn vốn quan trọng nhất của tất cả các nguồn vốn xã hội, kể cả công nghệ.
Cũng theo GS Hoàng Chí Bảo, giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho yêu cầu của công nghiệp 4.0, trước tiên là phải sửa Luật Giáo dục đại học, để thể chế hóa hoạt động tự lực, tự chủ của các trường. Phải trả lại cho các trường đại học quyền được tuyển sinh, không phải là xét tuyển, thi tuyển. Đào tạo đại học phải lấy chất lượng làm đầu và chủ yếu là đào tạo kỹ sư tài năng. Còn lại tập trung cho đào tạo bậc cao đẳng, trung cấp nghề để cho ra một đội ngũ thợ kỹ thuật lành nghề, làm người thợ đạt trình độ cao của trí thức. Đấy là khâu then chốt và là môi trường để vận dụng công nghiệp 4.0 vào thực tế. Do vậy, phải đầu tư rất lớn cho các trường nghề, coi các trường cao đẳng, trung cấp nghề là nơi cung cấp nguồn lực chủ yếu và có chất lượng cho các DN theo tiêu chuẩn công nghiệp 4.0.
Đào tạo theo đơn đặt hàng |