Đó là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu; Luật Điện lực; Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Luật Hải quan; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.
Ở thời điểm hiện nay, dự thảo Luật gồm 12 điều, gồm 10 điều sửa đổi, bổ sung một số quy định của 10 luật hiện hành, 1 điều quy định về điều khoản chuyển tiếp và 1 điều quy định về hiệu lực thi hành.
Trong đó, đáng lưu ý là có những dự án luật sẽ góp phần cải thiện đáng kể tiến độ và chất lượng đầu tư công - mục tiêu mà toàn xã hội đang tập trung dốc sức thực hiện.
Với Luật Đầu tư công, Điều 1 dự thảo Luật nêu trên dự kiến sửa đổi theo hướng trao thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với “dự án đầu tư nhóm B và nhóm C sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, vốn ODA viện trợ không hoàn lại, dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài” cho người đứng đầu cơ quan chủ quản để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý (thẩm quyền này hiện thuộc Thủ tướng Chính phủ).
Bổ sung vào Điều 33 Luật Đầu tư công quy định “Thủ tướng Chính phủ thông báo dự kiến bổ sung kế hoạch trung hạn vốn ngân sách trung ương (vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài) cho Bộ, cơ quan trung ương, địa phương sau khi phê duyệt Đề xuất dự án đầu tư nhóm B và C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi làm căn cứ thực hiện thủ tục thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn”.
Cùng có liên quan mật thiết đến các dự án ODA, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Điều 2 dự thảo Luật này quy định Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư đối với “dự án có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm A theo quy định của pháp luật về đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý hoặc sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài”.
Dự thảo đồng thời phân quyền quyết định chủ trương đầu tư cho bộ trưởng, người đứng đầu cơ quan trung ương, cơ quan khác; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh đối với các dự án sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài có tổng mức đầu tư tương đương dự án nhóm B và C theo quy định của pháp luật về đầu tư công.
Bên cạnh đó, Luật Đấu thầu cũng dự kiến được sửa đổi nhằm bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thúc đẩy giải ngân sớm. Cụ thể, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung điểm c khoản 1 Điều 34 Luật Đấu thầu theo nguyên tắc: “Việc lập, thẩm định, phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, xác định danh sách ngắn đối với các hoạt động mua sắm trước khi ký kết điều ước quốc tế, thỏa thuận về vốn ODA, vốn vay ưu đãi thực hiện theo quy định của Chính phủ”.
Những nội dung sửa đổi quan trọng nêu trên được kỳ vọng sẽ giúp các dự án ODA tăng khả năng hoàn thành đúng thời hạn, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài.