Biến chủng khôn lường
Đợt bùng phát dịch đầu tiên do virus SARS-CoV-2 gây ra tại TP Vũ Hán, Trung Quốc, vào đầu tháng 1-2020. Ca lây lan virus này từ người sang người lần đầu tiên xảy ra tại Quảng Đông, Trung Quốc, vào ngày 20-1-2020.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tất cả các loại virus, trong đó có SARS-CoV-2, đều thay đổi theo thời gian. Các biến chủng (virus đột biến) có thể thay đổi các đặc tính của virus, làm cho chúng dễ dàng lây lan, tăng mức độ nặng của bệnh. Virus càng sinh sản nhiều thì càng đột biến, thậm chí gây chết người nhiều hơn khi làm giảm hiệu quả của vaccine.
Từ tháng 1-2020, WHO đã làm việc với các cơ quan chức năng và nhà khoa học khắp thế giới để theo dõi các biến chủng này nhằm tìm ra cách ứng phó hiệu quả nhất. Theo WHO, hiện có 4 loại biến chủng chính của SARS-CoV-2 là Alpha, Beta, Gamma và Delta. Trong đó, Alpha được phát hiện lần đầu ở Anh vào tháng 9-2020.
Theo Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, Alpha có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với các biến chủng trước đó và có khả năng gây ra các ca mắc Covid-19 nặng hơn dựa trên tỷ lệ nhập viện và tỷ lệ tử vong.
Beta được phát hiện lần đầu ở Nam Phi vào tháng 5-2020, cũng có tốc độ lây truyền cao hơn so với SARS-CoV-2. Gamma được phát hiện lần đầu ở Brazil vào tháng 11-2020. Gamma có một số đột biến tương tự như Alpha và Beta, cho phép đi vào tế bào người dễ dàng hơn, làm tăng khả năng lây nhiễm.
Một báo cáo nội bộ của CDC Mỹ cho thấy Delta có khả năng lây truyền cao hơn các loại virus gây ra Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS), SARS, Ebola, cảm lạnh thông thường, cúm theo mùa, bệnh đậu mùa và cũng dễ lây lan như bệnh thủy đậu. Theo một chuyên gia, nếu bị nhiễm Delta, một người sẽ lây 4 người khác.
Đáng lo, Delta Plus - một dạng biến chủng của Delta, có khả năng lây nhiễm cao hơn Delta một chút. Các nhà khoa học cho biết, một người mắc Covid-19 biến chủng Delta Plus có thể lây 7-8 người. Delta Plus đã được ghi nhận ở châu Âu, Ấn Độ, Hàn Quốc và gần đây ở Mỹ.
Ngoài ra, còn các biến chủng khác, ít phổ biến hơn như Eta, Iota, Kappa và Lambda. Eta được phát hiện lần đầu vào tháng 12-2020 ở Anh và Nigeria. Iota được phát hiện lần đầu ở New York vào tháng 11-2020. Kappa được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10-2020. Lambda được phát hiện lần đầu ở Peru vào tháng 12-2020 và hiện lan nhanh ở Nam Mỹ. Một nghiên cứu ở Nhật Bản đã phát hiện Lambda có thể kháng vaccine hơn SARS-CoV-2 ban đầu và lây nhiễm cao.
Khả năng biến chủng “Ngày tận thế”?
Theo Tạp chí Newsweek, các nhà khoa học đã đánh giá thấp SARS-CoV-2 từ khi bắt đầu đại dịch. Ban đầu, họ cho rằng các biến chủng của virus này sẽ không gây nhiều vấn đề. Nhưng mọi thứ đã thay đổi khi Alpha, Beta, Gamma lần lượt xuất hiện, nhất là Delta.
Michael Osterholm, nhà dịch tễ học, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Chính sách về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota, Mỹ, cảnh báo: Phân tích cho thấy hầu hết những người trong số 100 triệu người Mỹ chưa được tiêm chủng có khả năng mắc Covid-19 trong những tháng tới, nếu không thực hiện các biện pháp tiêm phòng kết hợp đeo khẩu trang và giãn cách.
Trong khi đó, các nhà khoa học đặt giả thiết: Liệu có một biến chủng của “Ngày tận thế” làm mất tác dụng của vaccine, lây lan như cháy rừng và làm gia tăng ồ ạt ca mắc không?
May mắn là tỷ lệ đột biến của SARS-CoV-2 ở mức thấp - khoảng một đột biến cho mỗi 10 lần nhân bản. Tỷ lệ này chỉ bằng khoảng 1/5 tỷ lệ đột biến của bệnh cúm thông thường và 1/10 của HIV. Một người mắc Covid-19 có thể mang 10 tỷ bản sao của virus, đủ để tạo ra hàng tỷ virus đột biến mỗi ngày.
Điều gì xảy ra với tất cả các đột biến đó? Hầu như luôn luôn câu trả lời là: không có gì đặc biệt vì sự xáo trộn di truyền là ngẫu nhiên. Nhưng thỉnh thoảng, một đột biến ngẫu nhiên tạo ra một số đặc điểm mới nguy hiểm tiềm tàng.
Hơn nữa, phần lớn những gì làm cho virus trở nên nguy hiểm liên quan đến protein nhọn nhô ra khỏi bề mặt của virus, cho phép chúng bám vào và xâm nhập vào tế bào người. Hầu hết các biến chủng mà chúng ta đã thấy cho đến nay đều xuất phát từ những thay đổi nhỏ trong số ít gen kiểm soát các gai này để tạo ra một đột biến mới nguy hiểm.
SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục phát triển thành các biến chủng mới, có khả năng lây lan rộng rãi, nhưng chúng ta có lý do tin rằng không có biến chủng nào có khả năng đánh bại hệ thống miễn dịch thường xuyên được vaccine bảo vệ.
Ông Jonathan Eisen, nhà sinh học tại Đại học California, Mỹ, cho rằng, virus SARS-CoV-2 là một bí ẩn lớn từ khi xuất hiện. Cũng có thể có một viễn cảnh đặc biệt nguy hiểm là biến chủng của SARS-CoV-2 khiến mọi người cảm thấy khỏe mạnh một thời gian dài, sau đó mới khiến tình trạng bệnh của họ trở nên nghiêm trọng. Hầu như rất ít virus, ngoại trừ virus HIV, có được khả năng đó. Đáng mừng, đến nay, chưa có bằng chứng SARS-CoV-2 có mối đe dọa như vậy.
Dù vậy, chuyên gia Eisen cảnh báo có thể xuất hiện một biến chủng mới không chỉ tấn công vào phổi mà còn vào não, tim và các cơ quan khác một cách từ từ và tinh vi, khiến nạn nhân vẫn khỏe mạnh, ra ngoài sinh hoạt bình thường cho đến khi phát bệnh nghiêm trọng. Rõ ràng, sự đe dọa từ các biến chủng khó lường có lẽ đang nhắc nhở nhân loại về việc cần chuẩn bị kỹ hơn cho những kịch bản, viễn cảnh tồi tệ phía trước và tiêm phòng vaccine vẫn đang là biện pháp hữu hiệu nhất.
Nguy hiểm nhất là Delta. Biến chủng này được phát hiện lần đầu ở Ấn Độ vào tháng 10-2020, dễ lây lan nhất đến nay và dễ mắc bệnh hơn nhiều so với các biến chủng khác. Delta hiện chiếm hơn 90% các ca mắc Covid-19 ở Mỹ. |