Để chuẩn bị cho phiên thảo luận về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), Tổng Thư ký Quốc hội vừa gửi đến đại biểu Quốc hội (ĐB) bản tổng hợp ý kiến; trong đó, nhiều ý kiến quan tâm mô hình chính quyền thành phố thuộc TP Hà Nội.
Theo Nghị quyết 15 của Trung ương, thời gian tới, Hà Nội dự kiến hình thành 2 thành phố thuộc thành phố. Một nằm ở phía Bắc Hà Nội, gồm: khu vực Mê Linh, Sóc Sơn, Đông Anh; và ở phía Tây gồm khu Xuân Mai, Hòa Lạc.
Nhằm tạo cơ sở pháp lý bước đầu cho các thành phố này khi được thành lập, dự thảo luật quy định một số thẩm quyền cụ thể (phân quyền từ thẩm quyền của HĐND, UBND thành phố) cho HĐND, UBND thành phố thuộc TP Hà Nội.
Trước hết, đó là thẩm quyền quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể một số cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập đặc thù thuộc UBND thành phố thuộc TP Hà Nội.
Cùng với đó là thẩm quyền điều chỉnh một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND thành phố thuộc TP Hà Nội.
2 thành phố trực thuộc Hà Nội sắp hình thành, được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của UBND thành phố thuộc TP Hà Nội. 2 đơn vị mới khi được thành lập cũng có thẩm quyền tổ chức tuyển dụng công chức cho các cơ quan, tổ chức của thành phố thuộc TP Hà Nội.
Giải trình thêm về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, có ý kiến đề nghị cân nhắc việc phân quyền cho TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật. Lý do, địa bàn TP Hà Nội có trụ sở của nhiều cơ quan Trung ương nên cần có sự quản lý, kiểm soát và điều phối của Thủ tướng.
Bộ trưởng Tư pháp lý giải, quy định tại dự thảo luật nhằm tạo điều kiện chủ động cho UBND TP Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung đô thị, quy hoạch chung xây dựng khu chức năng, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đã được Thủ tướng phê duyệt.
Theo giải trình của Chính phủ, công tác lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch xây dựng của các địa phương thường kéo dài trong vài năm, tạo độ trễ nhất định so với xu hướng, mục tiêu, định hướng và thực tiễn phát triển của địa phương.
Mặc dù các quy hoạch đều có những dự báo, tính toán, nhưng chủ yếu ở tầm vĩ mô, quá trình triển khai quy hoạch có thể cần phải có những điều chỉnh cục bộ để phù hợp thực tế khách quan với điều kiện không phá vỡ các chỉ tiêu, định hướng của quy hoạch.
Bên cạnh đó, khi thực hiện thủ tục điều chỉnh cục bộ quy hoạch vẫn phải thực hiện lập, thẩm định và phê duyệt, nên sẽ tạo độ trễ trong thực hiện quy hoạch.
Vì vậy, dự thảo luật quy định giao UBND TP Hà Nội quyết định điều chỉnh quy hoạch cục bộ và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.
Tuy nhiên, để bảo đảm có sự quản lý, kiểm soát và điều phối của Thủ tướng, nhất là đối với những khu vực quan trọng, có nhiều trụ sở của cơ quan Trung ương, cơ quan chủ trì soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát để quy định phù hợp.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) gồm 7 chương, 59 điều, dự kiến được Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp giữa năm 2024.