Giá khí đốt tại trung tâm giao dịch Title Transfer Facility ở Hà Lan ngày 26-8 đã tăng lên mức 322 EUR/MWh. Trong khi đó, giá điện hợp đồng kỳ hạn 1 năm ở cả Pháp và Đức cũng tăng vọt do lo ngại về một cuộc khủng hoảng năng lượng vào mùa đông. Trao đổi với báo giới, nhà phân tích Susannah Streeter của Hargreaves Lansdown (công ty dịch vụ tài chính của Anh) nhận định, giá khí đốt vẫn duy trì xu hướng đi lên và điều này sẽ càng khiến cuộc khủng hoảng năng lượng thêm tồi tệ.
Nhằm chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất có thể xảy ra, Chính phủ Phần Lan đã công bố chi tiết chiến dịch tiết kiệm năng lượng (bắt đầu 10-10 tới) trên toàn quốc tại một sự kiện được tổ chức ở Turku, Tây Nam nước này. Chiến dịch mang tên “bớt 1 độ”, khuyến khích tất cả người dân trong nước tiết kiệm năng lượng. Các hành động cụ thể trong chiến dịch bao gồm cam kết lái xe với tốc độ thấp hơn trên đường, đặt nhiệt độ phòng thấp hơn và tiết kiệm nước nóng...
Tại Tây Ban Nha, Quốc hội nước này đã thông qua sắc lệnh của chính phủ đề ra các quy định mới về tiết kiệm năng lượng. Theo đó, tất cả các phương tiện công cộng, cửa hàng, văn phòng, nhà hát, rạp chiếu phim phải điều chỉnh điều hòa không khí ở mức nhiệt độ không thấp hơn 27oC trong những tháng nắng nóng nhất trong năm. Quy định mới này không áp dụng đối với các hộ gia đình, nhưng khuyến khích người dân hạn chế tiêu thụ điện; từ 22 giờ hàng ngày, các cửa hàng phải tắt đèn chiếu sáng cửa sổ. Đến cuối tháng 9 tới, các tòa nhà có máy lạnh hoặc hệ thống sưởi đều phải lắp đặt cửa đóng tự động để tránh lãng phí năng lượng.
Chính phủ Đức đề ra biện pháp mạnh mẽ hơn, sẽ giảm từ 2%-2,5% lượng khí đốt sử dụng và các tuyến đường sắt quốc gia cũng sẽ ưu tiên hoạt động vận chuyển nhiên liệu. Bộ Kinh tế Đức ước tính, các biện pháp này có thể tiết kiệm cho các hộ gia đình, công ty và khu vực công khoảng 10,8 tỷ euro (10,7 tỷ USD) trong 2 năm tới.