Vấn đề chia sẻ nguồn nước hài hòa lợi ích trên dòng Mê Công đang được Việt Nam theo dõi sát sao.
Khiếm khuyết số liệu
“Thời gian gần đây, khai thác nguồn nước ngày càng gia tăng trên sông Mê Công, đặc biệt là phát triển thủy điện dòng chính. Việt Nam nằm cuối nguồn nước, nên phải theo dõi chặt. Việt Nam cũng quan ngại sâu sắc đến sinh kế của người dân. Các hoạt động tích lũy trên dòng chính sông Mê Công đang tác động kép đến ĐBSCL. Đỉnh điểm là hạn - mặn mùa khô 2016, và sạt lở ngày càng nghiêm trọng. Mới đây là vụ sạt lở ven sông Vàm Nao đang đặt ra nhiều thách thức. Đòi hỏi các nước liên quan đến sông Mê Công phải có đối sách phù hợp, hài hòa lợi ích” - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam Trần Hồng Hà chia sẻ khi chủ trì Hội thảo “Tham vấn dự án thủy điện Pắc - Beng của Lào trên dòng chính sông Mê Công”, diễn ra ngày 12-5, tại Cần Thơ.
Tham dự hội thảo có đại diện nhiều bộ - ngành, lãnh đạo các tỉnh, các nhà khoa học và đại diện các tổ chức dân sự vùng ĐBSCL. Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, mục tiêu của hội thảo là định hướng tham vấn về khoa học và pháp lý để có cơ sở mang lại lợi ích tổng thể hài hòa môi trường sinh thái, kinh tế cho cộng đồng người dân tại Lào và vùng hạ nguồn.
Các tham luận tại hội thảo tập trung vào các nội dung: tham vấn, đánh giá kỹ thuật về thủy văn - thủy lực; các tác động đến thủy sản và hệ sinh thái thủy sinh, chất lượng nước và giao thông trên dòng sông Mê Công.
Theo đánh giá của chuyên gia quốc tế: Phương pháp đánh giá tác động của chủ đầu tư dự án Pắc-Beng là không phù hợp với thông lệ quốc tế và phương pháp của Ủy Hội sông Mê Công đang sử dụng. Dự án chỉ đánh giá tác động tại chỗ, không đánh giá tác động tích lũy, xuyên biên giới, một số nhận định mâu thuẫn. Thiếu số liệu chứng minh về tính hiệu quả của các giải pháp giảm nhẹ; không có kế hoạch giám sát tác động đến người dân bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp (xuyên biên giới). Đặc biệt, là thiếu tài liệu về địa chấn, động đất; thiếu các tiêu chuẩn về thiết kế công trình. Chưa đánh giá tác động liên hoàn về sự cố vỡ đập Pắc-Beng có thể gây thảm họa cho toàn bộ bậc thang thủy điện phía dưới, nguy cơ thiệt hại rất nhiều tới đời sống dân sinh. Hầu hết các ý kiến tại hội thảo đều bày tỏ những bất an, lo lắng trước dự án xây dựng đập thủy điện Pắc-Beng.
GS Nguyễn Ngọc Trân, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, đã chỉ ra những khiếm khuyết của dự án: “Số liệu là điều sống còn. Tuy nhiên, các số liệu nghiên cứu của dự án còn nhiều lỗ hổng. Đáng chú ý là đập Pắc-Beng nằm trên vùng động đất liên quan đến an toàn đập nhưng vấn đề này chưa được đề cập. Tình trạng thiếu số liệu, chuỗi số liệu quá ngắn, dự án chưa tính tới các đập thủy điện Trung Quốc… Vấn đề đập thủy điện dẫn đến tích lũy dây chuyền (không gian từ đập này sang đập khác) và tích lũy theo thời gian, tác động trong 5 - 20 năm thì sao? Báo cáo chưa đề cập đến. Tình trạng sạt lở, sụp lún… do trầm tích thiếu, ngày càng gia tăng”.
Công khai thông tin để người dân chủ động đối phó
“Khoảng 20 triệu dân ĐBSCL đang thấp thỏm theo dõi tiến trình xây dựng và những tác động của các đập thủy điện trên dòng Mê Công. Chính phủ Việt Nam cần có những khuyến cáo cụ thể để phía Lào hoãn thời gian xây dựng nhằm có những đánh giá kỹ càng hơn” - PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (ĐH Cần Thơ), đề xuất. Ý kiến này được nhiều người đồng tình.
Trong khi đó, lãnh đạo tỉnh An Giang và Đồng Tháp cho rằng: cần phải công khai thông tin, minh bạch về các dự án xây dựng đập thủy điện để người dân ĐBSCL hiểu và chủ động đối phó. Quan trọng nhất là xây dựng kịch bản chịu “tác động kép” rất dễ tổn thương của ĐBSCL để người dân chủ động đối phó. Đó là biến đổi khí hậu (nước biển dâng, mặn xâm nhập) kèm theo nguồn nước sông Mê Công giảm kéo theo phù sa kiệt, sạt lở trên diện rộng….
Đập Pắc-Beng sẽ tạo ra những trở ngại tác động đến vùng sinh thái thuộc hạ lưu vực sông Mê Công có hơn 200 loài cá, trong đó có trên 30 loài có giá trị kinh tế. ThS Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái, cảnh báo: “Đặt đập thủy điện Pắc-Beng chung với 11 đập thủy điện sẽ tác động khủng khiếp đến vùng hạ lưu. Phù sa nằm lại đập thủy điện. Không chỉ sạt lở, thiếu nước ngọt mà giảm cả phù sa dinh dưỡng mang ra biển, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hải sản ven biển trong vùng”.
Các chuyên gia quốc tế kiến nghị: Chủ đầu tư cần tham khảo số liệu và phương pháp đánh giá tác động của ủy hội. Đánh giá tác động tích lũy và xuyên biên giới do việc suy giảm chức năng dịch vụ sinh thái, giảm tải phù sa bùn cát, giảm nguồn lợi thủy sản… tác động đến sinh kế của người dân ĐBSCL; xây dựng kế hoạch chi tiết giám sát tác động tích lũy và xuyên biên giới. Cần bổ sung báo cáo chi tiết địa chất công trình; chọn tiêu chuẩn cao hơn cho thiết kế địa chấn và thống nhất các tiêu chí ổn định về cấu trúc công trình. Nghiên cứu bài toán vỡ đập và đánh giá khả năng xảy ra thảm họa và kế hoạch ứng phó cho vùng hạ lưu.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, các ý kiến sẽ được ghi nhận để bổ sung tham vấn cho phía Lào. Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định: “Việt Nam tôn trọng lợi ích các bên liên quan đúng quy định các ủy hội… đảm bảo lợi ích quốc gia và tôn trọng lợi ích trên nguyên tắc thỏa thuận ủy hội. Mục tiêu định hướng tham vấn về khoa học và pháp lý để có cơ sở mang lại lợi ích tổng thể hài hòa môi trường sinh thái cho từng nước…”.
Theo đánh giá sơ bộ của nhóm chuyên gia Việt Nam, tác động tích lũy của 11 bậc thang thủy điện dòng chính hạ lưu vực sông Mê Công, trong đó có Pắc-Beng có thể làm giảm từ 60% - 70% nguồn chất dinh dưỡng (đạm và lân) cho sản xuất nông nghiệp ở ĐBSCL; sẽ góp phần làm gia tăng sạt lở, xâm nhập mặn và tăng thêm mức độ ảnh hưởng cho khoảng 16% - 20% dân số ĐBSCL. Những biểu hiện về thay đổi chế độ dòng chảy và mức độ xâm nhập mặn, sạt lở ngày càng có xu thế diễn biến bất thường và dự báo sẽ gia tăng do tác động của các bậc thang thủy điện dòng chính sông Mê Công.