Tổng vốn đầu tư không giảm
Với hoạt động đầu tư nước ngoài (FDI) tại Việt Nam, con số thống kê 8 tháng đầu năm 2021 cho thấy, số dự án FDI cấp mới giấy chứng nhận đầu tư là 1.135 dự án, thấp hơn rất nhiều so cùng kỳ và tổng số dự án đầu tư FDI mới chiếm khoảng 63,2% so cùng kỳ năm 2020. Tuy nhiên, nhìn vào tổng số vốn FDI đầu tư vào Việt Nam, vẫn thấy có những dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế khi tổng số vốn đầu tư FDI đến tháng 8-2021 là 19,12 tỷ USD, xấp xỉ so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, cần thừa nhận thực tế, các dự án FDI điều chỉnh vốn không giảm nhưng tỷ lệ điều chỉnh theo hướng tăng vốn rất thấp. Trong đó, Hàn Quốc dù có dự án FDI cấp mới cao nhất trong các quốc gia đầu tư vào Việt Nam nhưng tỷ lệ điều chỉnh bắt đầu chậm lại từ tháng 3-2021. Xu hướng này cũng tương tự với hoạt động điều chỉnh vốn của các nhà đầu tư FDI tại TPHCM những tháng gần đây. Các nhà đầu tư FDI đang tiếp tục thăm dò trong bối cảnh nhiều tỉnh, thành chưa trở lại trạng thái bình thường mới. Với tình hình cạnh tranh gay gắt về thu hút FDI trong khu vực và thế giới, nếu chậm trễ bình thường mới, sẽ làm mất đi cơ hội thu hút FDI để phục hồi và phát triển kinh tế.
Dự báo những tháng cuối năm 2021 và đầu 2022, khả năng thu hút FDI của Việt Nam sẽ phụ thuộc vào kết quả phòng chống dịch Covid-19. Nền kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng từ hiệu quả của hoạt động FDI thời điểm các doanh nghiệp (DN) trong nước còn nhiều khó khăn.
Tận dụng các FTA
Để thu hút FDI, TPHCM nói riêng và cả nước nói chung phải có các giải pháp hữu hiệu trong phòng chống dịch. Đây là nền tảng tạo dựng lại môi trường đầu tư ổn định, an toàn và là điều kiện tiên quyết để duy trì, hấp dẫn, thu hút FDI tại Việt Nam.
Ngay lúc này đây, DN rất mong Chính phủ và chính quyền các địa phương triển khai ngay những chính sách khuyến khích DN trong nước bằng các gói hỗ trợ nhằm phục hồi hoạt động của DN, khôi phục hoạt động sản xuất thương mại, dịch vụ. Việc tiếp tục đẩy mạnh đầu tư công thông qua triển khai các dự án về hạ tầng, công nghiệp, đô thị, công nghệ cũng là cách để thu hút nhà đầu tư trong và ngoài nước. Về trung và dài hạn, cần xây dựng các chính sách để phát triển DN trong nước, tạo nền tảng tiềm lực vững chắc để phát huy nội lực của nền kinh tế trong nước. Hướng đi này nhằm tạo sự chủ động và ứng phó tốt hơn những diễn biến phức tạp của nền kinh tế thế giới và các vấn đề bất ổn khác.
Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều lợi thế khi ký kết nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA). Chuyển sang trạng thái bình thường mới, các FTA này cần được thúc đẩy triển khai để đẩy mạnh các hoạt động xuất khẩu, qua đó từng bước phục hồi nền kinh tế. Cần tạo điều kiện cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là các doanh nhân, trí thức kiều bào và kiều bào về nước đầu tư, sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các cơ quan chức năng cần chú trọng công tác đối thoại chính sách, xúc tiến đầu tư tại chỗ, nắm bắt tình hình để có biện pháp kịp thời, phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN FDI, nhất là về thủ tục hành chính, đất đai, nguồn cung nhân lực, nguyên liệu, linh kiện. Cùng với đó là minh bạch hóa môi trường đầu tư, kinh doanh và tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư nước ngoài nghiên cứu, triển khai dự án…
Trong điều kiện đi lại khó khăn giữa các quốc gia do ảnh hưởng của đại dịch, cần thay đổi cách xúc tiến đầu tư trực tiếp như trước kia bằng hình thức trực tuyến để hạn chế những nguy cơ lây lan dịch bệnh, tiết kiệm chi phí. Tổ chức xúc tiến đầu tư theo hướng chủ động tiếp cận, tìm hiểu và hỗ trợ các đối tác, tập đoàn lớn tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Việt Nam. Tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư vào các thị trường truyền thống như Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hồng Công (Trung Quốc), Singapore, Mỹ, châu Âu… đồng thời, chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng để đón làn sóng đầu tư.