Chuẩn bị các biện pháp kích thích kinh tế

Ngày 7-4, thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong ngày thứ hai liên tiếp, khi một loạt chỉ số chủ chốt đồng loạt tăng điểm. Điều này phản ánh tâm lý của giới đầu tư phần nào đỡ căng thẳng hơn về diễn biến của dịch Covid-19. Nhiều nước trên thế giới đã khởi động thêm các chương trình kích thích kinh tế.
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong ngày thứ hai liên tiếp. Ảnh: Straits Times
Thị trường chứng khoán châu Á khởi sắc trong ngày thứ hai liên tiếp. Ảnh: Straits Times

Tín hiệu lạc quan

Các nhà kinh tế thuộc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), ngày 6-4, cho biết, dường như đang có dấu hiệu ban đầu về sự phục hồi tại Trung Quốc. Nhà kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath nhận định, Trung Quốc, nơi virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 bùng phát hồi giữa tháng 12-2019, đã chứng kiến sự phục hồi nhẹ chỉ số chế tạo chủ chốt của nước này trong tháng 3. Tuy ở mức giới hạn nhưng đây là điều đáng khích lệ, đồng thời các biện pháp phòng chống dịch bệnh mang lại hiệu quả có thể mở đường cho việc nối lại hoạt động kinh tế ở nước này.

Các chính phủ trên toàn thế giới đã đưa ra những cam kết chi tiêu chưa từng có để giảm thiểu những thiệt hại mà đại dịch Covid-19 gây ra đối với nền kinh tế trong nước. Ngày 7-4, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua gói kích thích kinh tế khẩn cấp có tổng trị giá lên tới 108.000 tỷ yen (khoảng 989 tỷ USD) nhằm vực dậy nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do các tác động tiêu cực của dịch Covid-19.

Tại Anh, người phát ngôn của Thủ tướng Boris Johnson cho biết, sức khỏe Thủ tướng đã ổn định và tinh thần của ông vẫn rất tốt. Thủ tướng hiện đã có thể thở mà không dùng máy trợ thở hay bất kỳ sự hỗ trợ không xâm lấn nào. Ông hiện đang được chăm sóc tích cực tại Bệnh viện St. Thomas ở thủ đô London.


Cùng ngày, Nội các Thái Lan thông qua gói kích thích kinh tế thứ 3 trị giá 1.900 tỷ baht (58 tỷ USD) nhằm giảm nhẹ tác động của dịch Covid-19. Gói cứu trợ kinh tế thứ 3 nhằm cung cấp hỗ trợ toàn diện cho tất cả thành phần xã hội bị ảnh hưởng bởi đại dịch và duy trì ổn định kinh tế vĩ mô. Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatusripitak cho biết, Bộ Đào tạo sau đại học, Khoa học, Nghiên cứu và Sáng tạo Thái Lan đang tổ chức các chương trình đào tạo nghề cho 40.000 người mất việc vì dịch bệnh. Các chương trình đào tạo dự kiến có chi phí khoảng 144 triệu baht (4,5 triệu USD) và sẽ được giải ngân từ ngân sách tài khóa 2020. Hơn 80 trường đại học ở Thái Lan sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo, tập trung vào phát triển kỹ năng ngôn ngữ cho hướng dẫn viên du lịch, quản lý du lịch, quản trị kinh doanh cho các doanh nghiệp và phát triển các nghề kinh doanh liên quan đến trang trại. 

Liên minh châu Âu (EU) ngày 6-4 cũng đã “bật đèn xanh” cho kế hoạch của Anh cấp gói cứu trợ trị giá 57 tỷ EUR (hơn 60 tỷ USD) hỗ trợ các doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Nhiều nơi còn điêu đứng

Kết quả khảo sát cho thấy hoạt động sản xuất của Indonesia đã “rơi thẳng đứng” trong tháng 3-2020 khi Chính phủ nước này áp đặt các biện pháp mạnh tay nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19. Báo cáo khảo sát của Công ty IHS Markit cho biết, Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Indonesia đã giảm xuống mức 45,3 - mức tồi tệ nhất trong 9 năm qua kể từ khi cuộc khảo sát này được tiến hành. PMI trên 50 cho thấy hoạt động sản xuất tăng trưởng, trong khi PMI dưới mức 50 nghĩa là ngành sản xuất đang suy giảm.

Tại Mỹ, trả lời phỏng vấn của hãng CNBC, cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Janet Yellen cho biết, tỷ lệ thất nghiệp ở nước này có thể đã ở mức 12% hoặc 13%, cao hơn mức cao nhất trong cuộc đại suy thoái. Cũng theo chuyên gia kinh tế này, mức độ của sự sụp đổ kinh tế đã làm mất ít nhất 30% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong quý thứ hai, nhưng con số thực tế có thể còn tồi tệ hơn. Bà Yellen cho rằng, sự phục hồi là có thể, song kết quả sẽ tồi tệ hơn và nó thực sự phụ thuộc vào mức độ thiệt hại trong thời gian nền kinh tế ngừng hoạt động.

Trong một diễn biến liên quan, hơn 100 tổ chức quốc tế ngày 7-4 đã kêu gọi giảm nợ các nước đang phát triển trong năm 2020. Theo BBC, những quốc gia này bao gồm các nền kinh tế nghèo nhất thế giới đang phải vật lộn với tác động của đại dịch Covid-19. Dẫn đầu chiến dịch kêu gọi giảm nợ là tổ chức từ thiện “Chiến dịch giảm nợ Jubilee” có trụ sở tại Anh. Các tổ chức tham gia yêu cầu giảm hơn 25 tỷ USD nợ của các nước nghèo đến hạn trả trong năm nay. Diễn biến này được thực hiện nhắm đến cuộc họp sắp tới của nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất và phát triển nhanh nhất thế giới (G20). Tính toán từ mạng phi lợi nhuận Eurodad cho thấy 69 quốc gia nghèo nhất thế giới phải trả 19,5 tỷ USD cho các chính phủ và tổ chức đa phương khác, và 6 tỷ USD cho các bên cho vay tư nhân trong năm nay.

Tin cùng chuyên mục