Chiều 14-9, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 10.
Theo đó, để sẵn sàng cứu trợ kịp thời người dân bị ảnh hưởng thiên tai, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã chuẩn bị 1 tỷ đồng và các hàng hóa thiết yếu chuyển vào các tỉnh miền Trung. Đồng thời cử đoàn công tác ngay trong tối nay 14-9 tới các địa phương có khả năng bão đổ bộ để kịp thời chỉ đạo công tác cứu trợ.
Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng cho biết tại tỉnh Quảng Bình, Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình đã triển khai Đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh xuống địa bàn các huyện: Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, Bố Trạch, thị xã Ba Đồn (là những nơi dự kiến bão đổ bộ) để phối hợp cùng các lực lượng tổ chức sơ tán trên 20.000 hộ dân đến điểm trú ẩn an toàn, tổ chức chằng chống nhà cửa cho người dân.
Đồng thời chuẩn bị sẵn sàng thùng hàng gia đình, cấp 1.290 thùng bột lọc nước cho các huyện, thành phố, thị xã phục vụ cứu trợ khẩn cấp và chuẩn bị 2 hệ thống lọc nước để vận hành cấp nước sạch miễn phí tại vùng trọng điểm.
Đội xung kích Chữ thập đỏ cắt tỉa cành cây tại Quảng Bình để giảm thiểu nguy hiểm trước khi bão số 10 đổ bộ
Cùng ngày, Bộ Y tế cũng tiếp tục có công điện gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa và các tỉnh Bắc Bộ, cùng các đơn vị trực thuộc yêu cầu triển khai các biện pháp khẩn cấp ứng phó bão số 10.
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Sơn La, Hòa Bình, Yên Bái, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hà Nam, Hà Nội và các đơn vị trực thuộc theo dõi chặt chẽ diễn biến của mưa lũ, phát huy phương châm "4 tại chỗ", đối phó kịp thời những diễn biến bất thường của mưa lũ. Tham gia cùng các cấp, các ban ngành kiểm tra rà soát để chủ động sơ tán khẩn các hộ dân ra các khu vực nguy hiểm nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở, lũ quét, lũ ống, lũ quét hoặc vùng thấp trũng dễ bị ngập sau khi mưa lớn để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của nhà nước, của nhân dân.
Yêu cầu Sở Y tế các tỉnh, thành phố trên chủ động sẵn sàng về nguồn nhân lực, vật tư cơ số thuốc, hóa chất phòng chống lụt bão, tổ chức trực ban, trực cấp cứu, sẵn sàng thu dung cấp cứu cho nạn nhân ảnh hưởng của mưa, bão gây ra. Các đội cấp cứu cơ động luôn trong trạng thái sẵn sàng ứng cứu cho tuyến dưới khi có lệnh. Khẩn trương triển khai các phương án bảo vệ hoặc di dời các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân, cán bộ y tế cũng như trang thiết bị y tế tại các vùng cơ nguy cơ bị ảnh hưởng do mưa bão, lên kế hoạch chủ động sơ tán cơ sở y tế ở những vùng thấp, trũng, vùng có nguy cơ lũ quét, lũ ống và sạt lở đất.
Đối với các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế chuẩn bị sẵn các cơ số thuốc, thiết bị phương tiện và phân công các đội y tế cơ động sẵn sàng hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa, bão gây ra.