Nhiều công trình mới chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC
Theo báo cáo, một số công trình mới xuất hiện tại Việt Nam có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC (điển hình như các tòa nhà chung cư cao trên 75 mét, nhà công năng khác cao trên 50 mét, trung tâm thương mại ngầm, nhà máy lọc hóa dầu, công nghiệp khí đốt, kho ngầm bảo quản xăng dầu, cơ sở bảo quản chế biến LPG bằng công nghệ lạnh...), phải vận dụng căn cứ vào các tiêu chuẩn nước ngoài như của Mỹ, Nga, Nhật, Hàn Quốc. Trong một số trường hợp, việc vận dụng, áp dụng các tiêu chuẩn của nước ngoài cũng làm nảy sinh không ít khó khăn, do hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này chưa đồng bộ tương ứng.
Nhiều loại hình công trình như nhà dân ở riêng lẻ, nhà chuyển đổi công năng sử dụng, nhà kết hợp nhiều mục đích sử dụng... chiếm tỷ lệ lớn, nhất là ở các đô thị, thành phố trong thời gian qua nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn phù hợp, hoặc thậm chí các cơ quan chức năng có liên quan còn chưa ban hành được hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC để áp dụng cho các loại hình này.
Ở những địa phương có nhiều công trình đặc thù chưa quan tâm xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng phù hợp với yêu cầu quản lý của địa phương theo quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.
Đặc biệt, hiện nay cả nước vẫn còn tới 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC, trong đó chủ yếu là các công trình được đưa vào sử dụng trước khi Luật PCCC (năm 2001) có hiệu lực; tính đến tháng 7-2018, cả nước vẫn tồn tại 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.
Theo báo cáo của Chính phủ, việc xử lý đối với các công trình này còn gặp nhiều khó khăn do liên quan đến mặt bằng kết cấu xây dựng và kinh phí đầu tư khắc phục.
Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất công nghiệp lớn đa phần sử dụng kết cấu khung thép mái tôn, khả năng chịu nhiệt và chịu lực kém, khi thời gian cháy kéo dài trên 30 phút có khả năng sụp, đổ gây khó khăn cho công tác chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (CNCH).
Điển hình như vụ cháy 33.280 m² nhà xưởng Công ty TNHH bao bì Việt Long, tỉnh Đồng Nai ngày 25-6-2015; vụ cháy 20.000 m² nhà xưởng Công ty TNHH Yakjin Việt Nam, tỉnh Phú Thọ ngày 13-6-2018...
Trang thiết bị, lực lượng chưa đáp ứng yêu cầu
Báo cáo cũng cung cấp thông tin: lực lượng Cảnh sát PCCC toàn quốc được trang bị tổng cộng 2.227 xe các loại; 922 máy bơm chữa cháy; 211 xuồng, canô chữa cháy; 42 mô tô chữa cháy, cứu hộ. Các bộ, ngành, địa phương đã chỉ đạo thực hiện đầu tư kinh phí trang bị phương tiện PCCC cho lực lượng PCCC chuyên ngành.
Công tác quản lý, bảo quản, bảo dưỡng phương tiện PCCC, CNCH về cơ bản được triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm số đầu xe được đưa vào thường trực chiến đấu luôn hoạt động tốt, xuất xe để thực hiện nhiệm vụ được ngay khi có yêu cầu.
Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy thực tế số lượng phương tiện được trang bị nêu trên vẫn chưa bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chữa cháy, CNCH đặt ra trước tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta hiện nay.
Cụ thể, số xe chữa cháy đã sử dụng lâu, sử dụng trên 20 năm chiếm khoảng 29,6% tổng số xe; số lượng xe chất lượng kém, hư hỏng chiếm tới 23,5%. Việc trang bị xe thang, xe chuyên dùng phục vụ chữa cháy, xe phục vụ công tác CNCH còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ đặt ra. Hiện mới chỉ có 90/392 Đội chữa cháy được trang bị xe thang (đạt 22,9%), 61/392 Đội đã được trang bị xe CNCH (đạt 15,6%).
Ngoài một số địa phương được UBND tỉnh, thành phố đầu tư nguồn kinh phí mua sắm trang bị, phương tiện PCCC, các địa phương còn lại đa phần đều phụ thuộc vào kinh phí của Bộ Công an và các dự án ODA. Các phương tiện chữa cháy đặc chủng như chữa cháy xăng dầu, hóa chất, chữa cháy Khu công nghiệp quy mô lớn, xe CNCH công trình ngầm... cũng còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu trong xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, sự cố xảy ra tại các cơ sở đặc thù này. Các địa phương chưa xây dựng được trung tâm kiểm soát, chỉ huy điều hành PCCC, trong khi trang thiết bị của trung tâm kiểm soát, chỉ huy điều hành ở Bộ Công an còn lạc hậu.