Sáng 14-11, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Thành Thống và Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Duy Hậu đồng chủ trì hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Thành Thống cho biết, Nghị định 57/2018/NĐ-CP có nhiều quy định đặc thù nhằm thu hút tối da doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Chẳng hạn, doanh nghiệp thực hiện dự án trên cơ sở định mức hỗ trợ của nhà nước và được hỗ trợ sau đầu tư.
“Đây là cách làm đã được khẳng định tính hợp lý, hiệu quả trong quá trình thực hiện Nghị định 210/2013/NĐ-CP trước đây”, Thứ trưởng Võ Thành Thống bình luận. Nghị định này cũng đã cắt giảm được 3 thủ tục về xây dựng (cấp phép xây dựng, quy hoạch và thẩm định thiết kế cơ sở), 1 thủ tục về quyết định chủ trương đầu tư; 1 thủ tục về thẩm tra công nghệ. Các thủ tục còn lại được lồng ghép, vừa thi công vừa hoàn thiện.
Đặc biệt, Nghị định còn hỗ trợ tập trung đất đai; hỗ trợ về tín dụng đầu tư; hỗ trợ mạnh cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ. Bên cạnh hình thức hỗ trợ trực tiếp cho các cơ sở chế biến nông lâm thủy sản, Nghị định còn quy định hỗ trợ đầu tư một số kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm xã hội hóa dịch vụ công...
Vẫn theo văn bản pháp lý này, mức vốn nhà nước hàng năm bố trí thực hiện Nghị định 57/2018/NĐ-CP ở mức tối thiểu 5% vốn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn.
Tuy nhiên, việc thực thi Nghị định 57/2018/NĐ-CP đến nay còn rất nhiều bất cập. Trong khi các văn bản hướng dẫn ở địa phương cơ bản đã đầy đủ thì ở cấp địa phương, ngoài việc tuyên truyền thực hiện Nghị định, cấp tỉnh phải ban hành 5 chính sách, hướng dẫn theo đặc thù của địa phương mình.
Việc ban hành các văn bản này đang rất chậm so với yêu cầu của Chính phủ: chỉ có 20/63 tỉnh, thành phố đã ban hành chính sách đặc thù của địa phương về hỗ trợ doanh nghiệp. Chưa tỉnh nào ban hành cơ chế thúc đẩy tập trung đất đai (không tính các cơ chế thí điểm cũ); 3/63 tỉnh ban hành quyết định chủ trương đầu tư về danh mục dự án khuyến khích đầu tư; 5/63 tỉnh ban hành danh mục sản phẩm nông nghiệp chủ lực cấp tỉnh; 4/63 tỉnh ban hành định mức hỗ trợ chi tiết.
Ngoài ra, việc thiếu nguồn vốn để hiện thực hiện cũng làm giảm hiệu quả của chính sách. Đây cũng là bất cập chung, như các đại biểu Quốc hội đã ví những chính sách này là “một loại quả đẹp mà không ăn được”.