Chiều 15-11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao (TDTT).
Phải có ngân sách cho hoạt động TDTT quần chúng
Vấn đề thể chất trong nhà trường được các ĐB quan tâm. ĐB Vương Ngọc Hà (Hà Giang) đồng tình phải đẩy mạnh hoạt động thể chất trong nhà trường, vì bà trăn trở “nhiều vùng khó khăn, thể trạng học sinh ngày càng nhỏ bé”.
ĐB Ka H'Hoa (Đắk Nông) và một số ĐB đều đồng tình cho rằng, giáo dục thể chất, thể thao trong nhà trường là hoạt động quan trọng để nâng cao tầm vóc, thể lực người Việt Nam, vì thế đồng ý bổ sung nội dung này trong luật. Tuy nhiên, cả ĐB Ka H'Hoa (Đắk Nông), ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) đều cho rằng, nếu quy định mỗi năm nhà trường tổ chức ít nhất một giải đấu thể thao toàn trường thì sẽ không phù hợp, vì nhiều trường không đủ điều kiện tổ chức. Nếu phải làm theo quy định thì sẽ hình thức, kém hiệu quả.
Đây cũng là quan điểm của ĐB Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương). ĐB Bùi Thị Thủy cũng cho rằng, điều kiện để bảo đảm hoạt động TDTT trong nhà trường hiện nay rất thiếu thốn, nhất là ở những vùng nông thôn, khó khăn. “Các trường thiếu đất, thiếu tiền, nên nếu không có cơ chế để hỗ trợ đầu tư cho các trường thì khó mà bảo đảm các hoạt động thể chất”, ĐB Bùi Thị Thủy nói.
ĐB Lưu Thành Công (Vĩnh Long) cho rằng, giàu có đến mấy mà không có sức khỏe thì cũng bằng không, vì vậy phải có ngân sách để bảo đảm phong trào hoạt động TDTT quần chúng. “Sau 1 thập kỷ, chiều cao của thanh niên Việt Nam tăng không đáng kể, chỉ hơn 2cm; khám nghĩa vụ quân sự sức khỏe của thanh niên không tốt, vì thế đề nghị phải có kinh phí cho hoạt động TDTT quần chúng”, ĐB Lưu Thành Công phân tích thêm. ĐB đề nghị Quốc hội phân bổ ngân sách cho hoạt động TDTT quần chúng, tạo phong trào cho nhân dân tập TDTT.
Đặc biệt, ĐB Lưu Thành Công đề nghị quy định phổ cập học bơi trong nhà trường để bảo đảm kỹ năng bơi lội cho học sinh, bởi với địa hình sông nước, biển của nước ta, thực tế hiện nay tình trạng đuối nước của Việt Nam cao nhất trong khu vực, đứng thứ nhì thế giới. Vì vậy, việc phổ cập học bơi trong nhà trường là rất cần thiết, nhà nước cần có kinh phí dành cho điều này.
Vấn đề chế độ, chính sách cho vận động viên (VĐV) thể thao, nhất là thể thao thành tích cao cũng được nhiều ĐB quan tâm. Trong đó, nhiều ý kiến đề nghị rà soát để có các quy định ưu đãi cụ thể hơn cho các VĐV thể thao thành tích cao, đặc biệt là các VĐV nữ, không để bất bình đẳng quá lớn đối với VĐV nam và nữ. “Nhất là chế độ cho VĐV, huấn luyện viên nữ sau khi giải nghệ, cần phải bảo đảm cho họ”, ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An), ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) nói.
Quy định trường hợp VĐV đội tuyển quốc gia bị tai nạn trong khi thi đấu thể thao khiến mất khả năng lao động hoặc chết thì người thân được hưởng chế độ trợ cấp cũng được ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) và một số ĐB đồng tình. Tuy nhiên, cần làm rõ chế độ gì, ai giải quyết.
Về kinh doanh thể thao mạo hiểm, ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) cho rằng, phải có quy định chặt chẽ ai là người thẩm định thể thao mạo hiểm để bảo đảm an toàn. ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng kinh doanh thể thao mạo hiểm đang nở rộ, có nhiều phát sinh, vì thế cần có quy định chặt chẽ về vấn đề này.
Một số ĐB băn khoăn, đến nay Việt Nam cũng chưa xác định đâu là những môn thể thao đặc thù của Việt Nam, hợp với thể trạng người Việt Nam để bảo đảm thành tích tốt ở các giải thể thao đỉnh cao. ĐB Nguyễn Văn Cảnh (Bình Thuận) gợi ý nên đầu tư, xã hội hóa môn đấu kiếm và bắn cung để đưa 2 môn này thành thế mạnh thể thao Việt Nam.
ĐB Nguyễn Minh Hoàng (TPHCM) cho rằng, lần này phải sửa toàn diện luật, Nhà nước phải đầu tư ngân sách thích hợp cho TDTT nước nhà. Cùng với đó phải có quy định về việc bố trí đất cho hoạt động TDTT, không để tình trạng thích thì để không thì thôi, bởi hiện nay ở đô thị đất rất ít.
Chưa thống nhất về đặt cược thể thao
Đáng chú ý, ý kiến ĐBQH vẫn chưa thống nhất về đặt cược thể thao
Theo tờ trình của Chính phủ, trong quá trình xin ý kiến các thành viên Chính phủ về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TDTT, nội dung đặt cược thể thao là vấn đề còn có các ý kiến khác nhau. Có 19/27 thành viên Chính phủ đồng ý với phương án bổ sung nội dung quy định về đặt cược thể thao, vì đặt cược thể thao đã được Chính phủ cho phép mặc dù chỉ giới hạn ở một số lĩnh vực hoạt động thể thao có đủ điều kiện, gồm kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế. Đặt cược thể thao cần thiết phải được quy định trong dự thảo Luật, nhưng chỉ giới hạn ở một số hoạt động thể thao có đủ điều kiện và Chính phủ quyết định Danh mục các hoạt động TDTT được phép kinh doanh đặt cược thể thao và quy định chi tiết về kinh doanh đặt cược thể thao.
Tuy nhiên, cũng có 4/27 thành viên Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị không nên bổ sung vấn đề đặt cược thể thao vào dự thảo luật, vì đặt cược thể thao là vấn đề phức tạp và nhạy cảm có ảnh hưởng lớn đến an ninh, trật tự. Trong khi đó, Nghị định số 06/2017/NĐ-CP ngày 24-1-2017 về kinh doanh đặt cược đua ngựa, đua chó và thí điểm đặt cược bóng đá quốc tế mới có hiệu lực từ 31-3-2017 cần để thực hiện một thời gian, sau đó tổng kết, đánh giá rồi sẽ quy định vào luật sẽ đảm bảo chặt chẽ và khả thi hơn.
Đây cũng là nội dung mà các ĐBQH còn băn khoăn khi thảo luận về luật này. ĐB Đinh Thị Kiều Trinh (Nghệ An) và một số ĐB đồng ý đưa vấn đề này vào luật, tuy nhiên phải quy định thật chặt chẽ để tránh biến tướng, lợi dụng.
Ở chiều ngược lại, một số ĐB không đồng ý bổ sung nội dung đặt cược thể thao vào Luật. ĐB Bùi Thị Thủy (Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Thanh Hải (Tiền Giang) cho rằng, đây là vấn đề nhạy cảm, rất dễ bị lợi dụng để biến tướng phức tạp, hiện nay Chính phủ đang thí điểm việc này, vì thế cần có thời gian tổng kết, đánh giá tác động trước khi chính thức đưa vào luật.