Chiều 27-5, Quốc hội họp phiên toàn thể ở hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi.
Nông dân đóng BHXH bắt buộc?
Đại biểu Quốc hội (ĐB) Đặng Thị Bảo Trinh (Quảng Nam) cho rằng, thực tế, hiện nay, đang diễn ra phổ biến tình trạng, các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng BHXH, bảo hiểm tai nạn (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT) cho người lao động, trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương. Do đó, luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHTN để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.
Về quy định mở rộng đối tượng đóng BHXH bắt buộc của chủ hộ kinh doanh và các cá nhân giữ chức vụ trong hợp tác xã, ĐB Phạm Văn Thịnh (Bắc Giang) cho rằng, nếu đưa các đối tượng này vào đóng BHXH bắt buộc thì thực chất là tự mình nộp cho mình. Khi đó, các chế tài đi theo như nợ đóng, trốn đóng BHXH cũng sẽ không còn ý nghĩa vì không ai bị kết tội trốn đóng BHXH cho chính bản thân mình.
Thực tế hiện nay, ĐB chỉ ra, nhiều thành viên quản trị của hợp tác xã ở cơ sở là nông dân hiện tham gia BHXH tự nguyện và được Nhà nước hỗ trợ. Nay vì tham gia là thành viên Ban kiểm soát của hợp tác xã dù không hưởng lương nhưng lại phải đóng BHXH bắt buộc là không hợp lý.
Từ đó, ĐB chỉ ra, việc đưa các nhóm đối tượng nêu trên vào quy định thì cũng không bảo đảm bao quát được hết các đối tượng là chủ doanh nghiệp mà không được hưởng lương. Mặt khác, quy định các đối tượng trên mà có tuổi lớn hơn 55 đối với nữ và lớn hơn 57 đối với nam thì không đủ thời gian đóng để được hưởng hưu trí. Từ những phân tích này, ĐB đề nghị Quốc hội cân nhắc việc mở rộng các đối tượng đóng BHXH bắt buộc.
Quan tâm đến nội dung về điều kiện hưởng chế độ thai sản, ĐB Đỗ Đức Hiển (TPHCM) cho biết, thực tế, hiện nay, có tình trạng người lao động bị hiếm muộn. Nhiều trường hợp phải áp dụng các biện pháp y khoa để điều trị cho cả hai vợ chồng. Việc điều trị hiếm muộn thường tốn kém về chi phí và thời gian.
Trong khi đó, theo quy định tại Luật BHXH hiện hành, người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng BHXH, và thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm.
Quy định nêu trên của luật dẫn đến thực trạng để đáp ứng yêu cầu điều trị hiếm muộn, lao động nữ sẽ bị gián đoạn thời gian đóng BHXH do phải nghỉ việc không lương trên 14 ngày.
ĐB cho rằng, hệ quả là họ không được hưởng chế độ thai sản khi sinh con, mặc dù trước đó đã có thời gian đóng BHXH nhiều năm liên tục. Mặt khác, do sức ép về kinh tế, có nhiều trường hợp lao động nữ muốn đi làm sớm để có thu nhập nhưng không được giải quyết do chưa đủ thời gian nghỉ sau sinh tối thiểu theo quy định, trong khi họ không được hưởng chế độ thai sản. Như vậy là rất thiệt thòi.
Cân nhắc lùi thời gian thông qua
Về BHXH 1 lần, ĐB Phạm Thị Kiều (Đắk Nông) thống nhất chọn phương án 1 nhằm đảm bảo sự hài hòa giữa quyền của người lao động và định hướng chính sách, tránh gây những phản ứng tiêu cực trong dư luận.
Đồng thời, ĐB đề nghị bổ sung thêm giải pháp sử dụng nguồn Quỹ BHXH để thành lập quỹ cho vay đối với người lao động phải ngừng việc nhưng chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu. Theo đó, quy định quỹ sẽ cho người lao động vay số tiền hợp lý theo tỷ lệ phần trăm số tiền người lao động nhận được từ việc rút BHXH một lần với lãi suất ưu đãi.
Trong phiên thảo luận chiều 27-5, một số ĐB cho rằng nếu dự thảo luật còn nhiều ý kiến khác nhau thì cần lùi thời điểm xem xét, thông qua. Trong đó, ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, cần lùi thời điểm xem xét, thông qua Luật BHXH sang kỳ họp 8 để đảm bảo thận trọng, đánh giá đầy đủ tác động chính sách tiền lương mới đối với các quy định luật BHXH và lấy ý kiến đối tượng chịu sự tác động là đông đảo người lao động.
“Chúng ta không thể quyết định chính sách liên quan đến quyền lợi của người lao động dựa trên tiền của người lao động và người sử dụng lao động đóng góp trực tiếp mà bản thân họ lại không được tham gia ý kiến. Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần chỉ đạo Chính phủ thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người lao động để bảo đảm chính sách ban hành được khả thi, hiệu quả với nhiều chính sách tốt hơn, tiến bộ hơn so với Luật BHXH năm 2014”, ĐB Ma Thị Thúy nhấn mạnh.
Phương án 1, người lao động được chia làm 2 nhóm. Nhóm 1, người lao động tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm và có đề nghị thì được hưởng BHXH một lần như quy định hiện hành. Nhóm 2, người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực trở đi thì không được áp dụng quy định điều kiện hưởng BHXH 1 lần.
Phương án 2, người lao động được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.