Chưa thêm thành viên mới

Các nhà lãnh đạo của các quốc gia thành viên Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ gặp nhau tại Vilnius, Litva để tham gia hội nghị thượng đỉnh của khối diễn ra trong 2 ngày 11 và 12-7.

Một nội dung quan trọng trong hội nghị lần này là việc kết nạp thành viên mới. Hồi tháng 4 năm nay, NATO đã chào đón Phần Lan, quốc gia có chung đường biên giới dài khoảng 1.300km với Nga, trở thành thành viên thứ 31 của tổ chức này. Tuy nhiên, quốc gia láng giềng của Phần Lan là Thụy Điển vẫn chưa gia nhập NATO, mặc dù cả Helsinki và Stockholm đều từ bỏ chính sách trung lập lâu nay và muốn trở thành thành viên NATO sau khi Nga bắt đầu xung đột với Ukraine vào tháng 2-2022.

Bên cạnh tư cách thành viên của Thụy Điển, một vấn đề nổi bật nhất là NATO sẽ làm gì trước nguyện vọng tham gia của Ukraine - nước đã nộp đơn xin gia nhập NATO vào tháng 9-2022 sau khi xung đột với Nga bùng nổ. Tư cách thành viên NATO của Ukraine được Nga xem là “lằn ranh đỏ” không được vượt qua vì coi đây là mối đe dọa đối với Moscow.

Tổng thống Ukraine Zelensky đang có chuyến công du để vận động cho việc NATO kết nạp quốc gia này. Hy vọng bùng lên với tuyên bố của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan: “Không còn nghi ngờ gì nữa, Ukraine có quyền trở thành thành viên NATO” sau khi tiếp đón ông Zelensky tại Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, vào sáng 8-7. Tuy nhiên, đồng minh quan trọng nhất của Ukraine và cũng là quốc gia giữ vị trí quyết định tại NATO lại dội gáo nước lạnh vào hy vọng của Ukraine. Cố vấn An ninh quốc gia Jake Sullivan và Tổng thống Mỹ Joe Biden đều cho rằng Ukraine vẫn cần thực hiện thêm các bước trước khi có thể gia nhập NATO. Theo ông Sullivan, Ukraine phải tiến hành cải cách để đạt tới các tiêu chuẩn của NATO và các bước cần thiết sẽ được thảo luận tại Vilnius.

Nhưng có một thực tế là không có đồng minh nào, cho dù từng nói và tin rằng Ukraine nên được mời làm thành viên chính thức tại Vilnius. Nếu Ukraine gia nhập NATO vào lúc này, Điều 5 của Hiệp ước NATO (yêu cầu các thành viên coi cuộc tấn công chống lại một thành viên là tấn công chống lại tất cả) sẽ khiến Mỹ và các thành viên liên minh khác phải trực tiếp tham gia cuộc chiến chống lại Nga. Đây là điều mà Tổng thống Mỹ Biden và các nhà lãnh đạo khác đã cẩn thận tránh. Nói cách khác, các thành viên của liên minh này chưa sẵn sàng biến cuộc xung đột của Nga thành cuộc chiến của NATO chống lại Nga. Ngoài ra, các thành viên mới cũng phải có khả năng và sẵn sàng “đóng góp quân sự cho các hoạt động của NATO”. Binh lính Ukraine có năng lực nhưng họ đang bận tâm đến cuộc chiến của chính họ và do đó không thể giúp đỡ các quốc gia thành viên khác. Chính phủ Kyiv hoàn toàn phụ thuộc vào người khác về vũ khí, huấn luyện và các khía cạnh khác của cuộc xung đột.

Tuy nhiên, NATO cũng tạo kỳ vọng cho mong muốn trở thành thành viên mới của nhiều quốc gia khác. Cố vấn Jake Sullivan nói rằng Mỹ “ủng hộ mạnh mẽ chính sách mở cửa”, rằng “Ukraine và NATO có thể đưa ra quyết định về con đường trở thành thành viên”. Ông cũng nói rằng Vilnius sẽ là một điểm quan trọng trên con đường đó, đề cập đến Hội nghị thượng đỉnh NATO sắp tới ở Vilnius. Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, các quốc gia thành viên dự kiến sẽ thông qua kế hoạch nhằm đưa Ukraine “đến gần hơn với liên minh“ trong hội nghị thượng đỉnh Vilnius. Trong khi thừa nhận nước này không thể gia nhập liên minh trước khi xung đột kết thúc, giới lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần kêu gọi một “tín hiệu rõ ràng” về tư cách thành viên từ các đồng minh trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới.

Tin cùng chuyên mục