Chiều 24-3, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế TPHCM họp báo cung cấp tình hình dịch bệnh trên địa bàn và các vấn đề dư luận quan tâm dưới sự chủ trì của đồng chí Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy, kiêm Phó Trưởng Ban đạo.
Thông tin tại buổi họp báo, đồng chí Phạm Đức Hải cho biết, tính đến 18 giờ ngày 23-3, TPHCM ghi nhận 587.909 trường hợp mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố, bao gồm 586.951 trường hợp mắc trong cộng đồng, 958 trường hợp nhập cảnh.
Hiện đang điều trị 4.274 bệnh nhân, trong đó có 275 trẻ em dưới 16 tuổi, 84 bệnh nhân nặng đang thở máy, 5 bệnh nhân can thiệp ECMO. Trong ngày 23-3 có 566 bệnh nhân nhập viện, 697 bệnh nhân xuất viện, 2 trường hợp tử vong.
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, sau khi đánh giá được tình hình số ca nhiễm tại thành phố, số ca nặng, ca tử vong, ca nhập viện, Sở Y tế đã tham mưu trình UBND TPHCM ban hành hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) đi làm, học tập, cho phép F1 được đi làm và học sinh đi học trực tiếp với điều kiện để kiểm soát tránh lây lan dịch ra cộng đồng. Đối với F0, hiện nay theo chỉ đạo của Bộ Y tế là người bệnh Covid-19 vẫn được cách ly điều trị y tế ở nhà, ở bệnh viện.
Cùng với đó, tỷ lệ mắc Covid-19 chưa ổn định và có sự khác biệt rất lớn giữa các địa phương, đặc biệt giữa các tỉnh, thành phố từng có tỷ lệ mắc cao trước đó và những tỉnh, thành phố có số ca mắc mới và gia tăng mạnh trong thời gian gần đây. Bên cạnh đó, số trường hợp tử vong theo ngày vẫn còn rất cao so với những bệnh truyền nhiễm có tỷ lệ từ vong hàng đầu trước đây.
Virus SARS-CoV-2 liên tục biến đổi và ghi nhận các biến thể mới như Alpha, Delta, Omicron, kể cả trong các biến thể cũng liên tục xuất hiện các biến thể phụ và các biến thể phụ có thể né được miễn dịch, gây tái nhiễm rất khó xác định và chưa có tính ổn định.
“Các chuyên gia kết luận, trong thời gian này, Việt Nam chưa thể xem dịch Covid-19 là “bệnh lưu hành” và tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới cũng như các tổ chức quốc tế, quốc gia khác theo dõi tình hình dịch Covid-19, cập nhật sự biến đổi của virus SARS-CoV-2 để có thể xem bệnh Covid-19 là “bệnh lưu hành” vào thời điểm thích hợp”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai thông tin.
Theo ông Trịnh Duy Trọng, Trưởng Phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD-ĐT TPHCM, UBND TP vừa ban hành văn bản hướng dẫn biện pháp y tế đối với người tiếp xúc gần (F1) đi làm, học tập. Theo đó, F1 tiêm vaccine đủ liều hoặc mắc Covid-19 trong vòng 3 tháng được làm việc, học tập trực tiếp tại các cơ sở giáo dục, kèm theo là thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch.
Sở GD-ĐT đã ban hành ngay văn bản yêu cầu các cơ sở giáo dục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch. Phòng giáo dục các quận, huyện chỉ đạo hướng dẫn kiểm tra các cơ sở giáo dục để đảm bảo môi trường an toàn nhất cho giáo viên và học sinh tại các cơ sở giáo dục.
Xác định F1 và xử lý F1, theo hướng dẫn của UBND TP, khi F0 xuất hiện các cơ sở giáo dục, các các cơ sở giáo dục sẽ lập danh sách, thông tin dịch tễ, cung cấp thông tin dịch tễ cho cơ sở y tế được phân công phối hợp với cơ sở giáo dục xác định F1.
Sở GD-ĐT TPHCM chỉ đạo các cơ sở giáo dục phối hợp chặt chẽ y tế địa phương để khoanh vùng trong phạm vi hẹp nhất, xác định chính xác nhất F1, để ít ảnh hưởng nhất đến các hoạt động giáo dục. Bên cạnh đó, chỉ đạo các sở giáo dục đảm bảo duy trì 2 hình thức dạy học hiện nay và sắp tới là trực tiếp và gián tiếp.
“Việc dạy gián tiếp có các hình thức trực tuyến; qua hệ thống internet; tổ chức giao nhiệm vụ học tập cho học sinh; giao bài học, tài liệu học tập cho học sinh học tập tại nhà” ông Trịnh Duy Trọng thông tin và cho biết, các cơ sở giáo dục có biện pháp quan tâm chăm lo việc học tập khi học sinh quay trở lại học tập trực tiếp, để các em được bồi dưỡng, bổ sung kiến thức, theo kịp được trình độ với các em học sinh khác, đảm bảo kết quả chất lượng đồng đều giữa các em học sinh.