Trong bản báo cáo được công bố vào tháng 12 năm ngoái, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) nhận định, nếu ngưng hoàn toàn nguồn cung cấp của Nga, các nước thành viên EU có thể sẽ bị thiếu khí đốt trong năm 2023.
Báo cáo của IEA dự báo, nếu Moscow cắt nguồn khí đốt thì mức thiếu hụt khí đốt của châu Âu có thể lên đến 27 tỷ m3 trong năm 2023 (trong kịch bản hoàn toàn không còn khí đốt của Nga và khối lượng khí thiên nhiên hóa lỏng nhập từ Trung Quốc tăng trở lại mức của năm 2021). Con số 27 tỷ m3 tương đương với 6,5% mức tiêu thụ hàng năm của EU, trong năm 2021.
IEA cũng lưu ý rằng, những yếu tố giúp cho các nước thành viên EU lấp đầy kho dự trữ khí đốt cho mùa đông 2022 có thể sẽ không tái diễn trong năm 2023. Vì lẽ đó, IEA kêu gọi các nước châu Âu gia tăng nỗ lực để giảm hơn nữa sự phụ thuộc vào nguồn khí đốt của Nga.
Cũng vào đầu tháng 12 năm ngoái, tổ chức tư vấn của Pháp Shift Project công bố một báo cáo nêu lên tình trạng khan hiếm khí đốt mà EU sẽ gặp phải trong tương lai “do khối này vẫn chưa thể từ bỏ khí đốt thiên nhiên”. Tuy đã giảm khá nhiều vào năm 2022 nhưng mức tiêu thụ khí đốt của EU nói chung vẫn rất cao, trên dưới 400 tỷ m3/năm. Với mức tiêu thụ như vậy, EU khó đạt được tự chủ về năng lượng, nhất là khi khả năng sản xuất khí thiên nhiên của châu Âu chỉ đáp ứng được 12% mức tiêu thụ trong năm 2022 và việc sản xuất này đã theo chiều hướng giảm từ 20 năm qua.
Theo Shift Project, chỉ có một cách để giúp EU thoát khỏi nguy cơ thiếu hụt khí đốt hay giảm bớt nguy cơ này là phải chuyển đổi nền kinh tế theo hướng tiêu thụ năng lượng ít hơn, với lượng khí phát thải thấp hơn. Thế nhưng việc này cần thời gian, khó có thể chuyển đổi trong một sớm, một chiều.