Chưa hết, Iran còn quyết định cho lắp đặt các máy ly tâm nhanh hơn và hiện đại hơn tại trung tâm hạt nhân Natanz, cho phép nước này thúc đẩy mạnh hơn quá trình làm giàu uranium.
Quyết định của Tehran được đưa ra ngay sau khi IAEA thông qua nghị quyết do Anh, Đức, Mỹ và Pháp đệ trình, chỉ trích quốc gia Hồi giáo thiếu hợp tác với IAEA. Giới quan sát nhận định động thái của Iran là quyết tâm “đọ sức” với phương Tây của Tehran. Những diễn biến căng thẳng mới diễn ra vào lúc các cuộc đàm phán giữa Iran và nhóm các cường quốc (Nga, Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Trung Quốc), nhằm phục hồi thỏa thuận hạt nhân 2015 cho phép dỡ bỏ các cấm vận của Mỹ, rơi vào bế tắc từ 3 tháng qua. Nguyên nhân từ việc Washington từ chối dỡ bỏ các lệnh trừng phạt nhắm vào Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran theo yêu cầu của Tehran.
Trong một tuyên bố chung, Đức, Anh và Pháp đã kêu gọi quốc gia Hồi giáo chấm dứt leo thang hạt nhân và khẩn cấp chấp thuận thỏa thuận đang được bàn thảo từ tháng 3 năm nay. Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken thì bày tỏ quan ngại trước những hành động mà ông cho là khiêu khích từ Tehran, đồng thời cảnh báo nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng hạt nhân nghiêm trọng và nguy cơ gia tăng sự cô lập về kinh tế và chính trị của Iran. Tuy nhiên, Iran đã cho thấy sự cứng rắn của mình, nhất quyết không nhượng bộ qua tuyên bố của Tổng thống Iran Ebrahim Raissi rằng sẽ không thay đổi lập trường trong bất cứ trường hợp nào.
Cuối tháng 2 vừa qua, cộng đồng quốc tế còn hy vọng về việc thỏa thuận hạt nhân Iran sớm được khai thông khi hàng loạt những tín hiệu tích cực được các bên liên quan phát đi. Israel còn từng bày tỏ quan ngại trước “một thỏa thuận cận kề”. Thế nhưng, mọi thứ đột ngột xấu đi khi các bên chưa thể tìm được tiếng nói chung để giải quyết những bất đồng còn lại. Để giờ đây, sau những diễn biến đầy căng thẳng mới, IAEA đã phải cảnh báo rằng các cuộc đàm phán về hạt nhân Iran tại Vienna (Áo) bị giáng “một đòn chí mạng”.