Trung tá Phan Thắng, Phó Chỉ huy, kiêm Tham mưu trưởng Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Thừa Thiên - Huế, cho biết, khu vực sạt lở Nhà máy thủy điện Rào Trăng 3 đang có mưa lớn, không thể thực hiện công tác tìm kiếm. Dự báo, khu vực này có mưa đến hết năm 2020.
Ngoài ra, các mạch ngầm tại khu vực này đang “no” nước nên nước sông Rào Trăng dâng cao, gây khó khăn trong việc triển khai tìm kiếm trở lại. Ông Thắng nhận định, việc tìm kiếm chỉ diễn ra khi đập ngăn nước thượng nguồn của thủy điện Rào Trăng 3 xây xong, tuy vậy hiện nay UBND tỉnh đã yêu cầu chủ đầu tư thủy điện Rào Trăng 3 ngưng xây dựng do có nguy cơ mất an toàn.
Liên quan đến vướng mắc này, Công ty cổ phần Thủy điện Rào Trăng 3 đang cùng Sở Công thương khảo sát, đánh giá, hoàn thiện báo cáo gửi Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công thương) để xin ý kiến về việc xây dựng đập bê tông để chặn dòng sông Rào Trăng, cắt nước đổ về hạ lưu nhằm phục vụ công tác tìm kiếm nạn nhân còn mất tích. Khu vực tổ chức tìm kiếm trải dài hơn 2,5km từ hiện trường sạt lở về hạ lưu sông Rào Trăng, tại ngã ba Tam Dần.
Ông Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, kết luận, việc tiếp tục tổ chức tìm kiếm các nạn nhân còn mất tích sau sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 không chỉ đáp ứng tâm tư, nguyện vọng của gia đình nạn nhân mà còn thể hiện tính nhân văn của nhà nước.
Đồng thời, yêu cầu các lực lượng xây dựng phương án tối ưu, hiệu quả cho công tác tìm kiếm tiếp theo trong thời gian sớm nhất, khi thời tiết cho phép.
Sở Công thương rà soát, đánh giá tổng thể mức độ an toàn của các hạng mục công trình thủy điện Rào Trăng 3, báo cáo kết quả hiện trạng các hạng mục công trình và đề xuất giải pháp xử lý để đảm bảo an toàn các hạng mục công trình thủy điện Rào Trăng 3.
Đến nay, lực lượng chức năng đã trải qua 3 giai đoạn tìm kiếm, đã tìm thấy 6 thi thể trong số 17 nạn nhân mất tích.