Để làm rõ có hay không sự móc ngoặc giữa “cò” với nhân viên đường sắt; giải pháp nào giải quyết căn cơ tình trạng này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (ĐSVN).
Ông Đoàn Duy Hoạch
PHÓNG VIÊN: Ông nhận định như thế nào về phản ánh của Báo SGGP về tình trạng “cò vé” đang hoạt động công khai tại khu vực ga Sài Gòn
Ông ĐOÀN DUY HOẠCH: Từ trước đến nay, ngành đường sắt đều có phối hợp với các cơ quan quản lý của địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự khu vực, chống tình trạng “cò vé”, phe vé hoạt động, nhũng nhiễu hành khách.
Đặc biệt gần đây, việc cải tiến hệ thống bán vé điện tử đã giúp cho công tác quản lý vé tàu tết đạt hiệu quả cao hơn, ngăn chặn được nạn đầu cơ vé, giảm đáng kể tình trạng “cò vé”, “phe vé” so với những năm trước.
Tuy nhiên, tình trạng “cò vé” vẫn chưa thể giải quyết dứt điểm được. Các đối tượng này vẫn đang “ký sinh” tại các nhà ga, bến tàu, xe, hoạt động mạnh nhất là trong dịp tết, khi nhu cầu đi lại vượt quá xa năng lực cung ứng của ngành. Không chỉ ở ga Sài Gòn mà cả ga Hà Nội cũng có “cò vé” hoạt động, thậm chí cá nhân tôi cũng vẫn bị “cò vé” mời chào.
Các mánh lới mà “cò vé” có thể lừa đảo hành khách đều đã và đang được khuyến cáo đến người dân qua các phương tiện truyền thông, thông báo công khai tại nhà ga.
Tại ga Sài Gòn, các thông tin khuyến cáo được phát thanh, chạy bảng tin liên tục… Rất mong hành khách chú ý, không mua vé của các đối tượng “cò” để tránh mất tiền oan.
Nhưng theo các “cò vé”, vé họ bán đều là vé thật, cầm những chiếc vé này lên tàu, nhân viên nhà tàu chỉ kiểm tra vé thật hay vé giả, không đối chiếu thông tin cá nhân, vì đã làm việc trước với nhân viên nhà tàu... Liệu tiêu cực có thể xảy ra trên tàu hay không?
Cho đến thời điểm này, phần mềm bán vé mà đối tác của chúng tôi cung cấp vẫn đang hoạt động tốt, không có chuyện can thiệp thông tin hành khách ở trên hệ thống.
Còn việc tên trên vé là A mà hành khách đi lại là B vẫn có thể xảy ra, vì trong phần soát vé tại ga, có công đoạn còn hoàn toàn phụ thuộc con người, đó là đối chiếu thông tin trên vé với giấy tờ tùy thân. Hiện ngành đường sắt chưa kiểm tra được chặt chẽ, chính xác như ngành hàng không, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên kiểm tra xác suất trên tàu.
Trong dịp cao điểm, chúng tôi thực hiện kiểm tra 3 lớp, tại cổng soát vé, khi lên tàu để đảm bảo hành khách không có vé hoặc tên không khớp vé sẽ không được lên tàu, ngoài ra còn có các đoàn kiểm tra đột xuất trên chặng.
Dịp tết năm trước, chúng tôi đã phát hiện, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm, trong đó, có những hành khách có vé không hợp lệ đã bị tổ công tác kiên quyết mời xuống ga tàu gần nhất. Một số trường hợp nhạy cảm như người già, trẻ em sử dụng vé không đúng tên, tổ công tác phải xin ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo đơn vị để quyết định bán vé nối chặng.
Các “cò vé " hoạt động nhộn nhịp ở khu vực ga Sài Gòn trong dịp gần Tết Kỷ Hợi 2019. Ảnh: SGGP
Nhưng thực tế là tình trạng “cò vé” vẫn đang hoạt động công khai tại khu vực ga Sài Gòn, hành khách có vé không hợp lệ vẫn có thể lên tàu, vậy trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Khi phát hiện nhân viên trong ngành tiêu cực thì xử lý ra sao?
Nếu có “cò vé” hoạt động trong nhà ga thì trách nhiệm thuộc về trưởng ga, ngoài cổng ga thì cơ quan chức năng địa phương phải chịu trách nhiệm. Về xử lý vi phạm, nếu có tranh chấp, kiện cáo hoặc trong quá trình thanh, kiểm tra phát hiện trường hợp cụ thể thì các đơn vị sẽ xử lý theo nội quy lao động, cao nhất là sa thải hoặc chấm dứt hợp động lao động.
Hiện ban chỉ đạo tết của Tổng công ty ĐSVN đã thành lập các đoàn kiểm tra tại các ga trọng điểm như: ga Sài Gòn, ga Hà Nội. Đến thời điểm này chưa có cơ quan nào phát hiện các trường hợp cụ thể về “cò vé”, “phe vé”, móc ngoặc hay tiếp nhận được thông tin nào phản ánh từ hành khách về việc tranh chấp, lừa đảo vé tàu tết.
Các thông tin về tình trạng cò vé tại ga Sài Gòn mà Báo SGGP phản ánh, Tổng công ty ĐSVN đã yêu cầu Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn kiểm tra và chấn chỉnh nếu có sai phạm.
Tình trạng “cò vé” xảy ra do cầu vượt xa cung ở các dịp cao điểm lễ tết, trong tương lai ngành đường sắt sẽ làm gì để tăng năng lực vận tải?
Dù có đầu tư, nâng cấp thì với hệ thống hạ tầng hiện có ngành đường sắt cũng khó có thể đáp ứng đủ nhu cầu đi lại của người dân trong các dịp cao điểm. Chúng tôi chỉ có thể cố gắng xây dựng phương án chạy tàu tối ưu để phục vụ tốt nhất nhu cầu đi lại của người dân. Yếu tố gây hạn chế năng lực vận tải đường sắt hiện nay là do hệ thống đường đơn, năng lực đường đón gửi của một số ga hạn chế và tải trọng không đồng đều trên toàn tuyến.
Mới đây, Quốc hội đã phê duyệt gói đầu tư khẩn cấp cho đường sắt là 7.000 tỷ đồng cho giai đoạn 2018-2021. Tổng công ty ĐSVN sẽ đề xuất các hạng mục đầu tư cần thiết để khắc phục các yếu tố hạn chế năng lực như đã nêu.
Dự kiến, sau khi hoàn thành cải tạo, năng lực vận tải sẽ tăng 25%-30%. Trong tương lai, khi dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam được đầu tư xây dựng, ngành đường sắt mới có thể đáp ứng tốt hơn nhu cầu hành khách.
Xin cảm ơn ông!