Việc gia hạn START 3 gặp khá nhiều trở ngại dưới thời của cựu Tổng thống Donald Trump nhưng lại có tín hiệu tích cực ngay trong những ngày đầu nắm quyền của ông Joe Biden, làm nảy sinh một số ý kiến cho rằng quan hệ căng thẳng lâu nay giữa 2 cường quốc sẽ được xoa dịu. Tuy nhiên, nhận định trên có lẽ chỉ dừng lại ở mức kỳ vọng. Trả lời báo giới, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết, trong bối cảnh 2 nước còn nhiều bất đồng, việc gia hạn hiệp ước này chỉ nhằm tránh một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân chứ Washington không tìm cách “cài đặt lại” quan hệ với Moscow dưới mọi hình thức.
Theo ông Andrey Kortunov, Tổng Giám đốc Hội đồng các vấn đề quốc tế Nga, ông Joe Biden được coi là người cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cách tiếp cận của ông Joe Biden gần như đối lập với cách tiếp cận của ông Donald Trump, người luôn bày tỏ sự yêu mến đối với ông Putin. Do đó, chính sách của Mỹ sẽ cứng rắn và mang tính công kích. Trong một số lĩnh vực, tân Tổng thống Mỹ sẽ chứng tỏ mình là một đối tác khó tính hơn người tiền nhiệm. Ông Joe Biden sẽ tập trung vào nhân quyền ở Nga, có thể mở rộng danh sách Magnitsky (gồm các quan chức cấp cao Nga sẽ bị xử phạt trong vụ án liên quan đến cái chết của luật sư Sergei Magnitsky) hoặc thông qua các quyết định trừng phạt mới. Sự ủng hộ sẽ được mở rộng tới Ukraine và Gruzia, những quốc gia không có quan hệ hữu hảo với Nga.
Các chính sách của Chính phủ Mỹ dưới thời ông Joe Biden sẽ nhằm xây dựng lại liên minh xuyên Đại Tây Dương và thu hẹp không gian hoạt động của Nga. Sự phối hợp chặt chẽ với châu Âu có thể diễn ra song song với nỗ lực xoa dịu quan hệ với Trung Quốc, điều mà Bắc Kinh cũng rất quan tâm. Cả hai diễn biến này sẽ làm gia tăng áp lực địa chính trị đối với Nga, khiến các lựa chọn chính sách đối ngoại của nước này bị thu hẹp hơn nữa. Nhiệm kỳ của ông Tổng thống Joe Biden sẽ trùng với phần còn lại trong nhiệm kỳ hiện tại của Tổng thống Putin. Đó sẽ là nhiệm kỳ được dự báo không hề dễ dàng cho người đứng đầu nước Nga và quan hệ Nga - Mỹ sẽ chưa thể hạ nhiệt.