Chất lượng hạ tầng kém
Trước nhu cầu cấp bách, tái định cư cho hàng trăm hộ dân bị giải tỏa thực hiện các dự án cảng và khu công nghiệp Hiệp Phước, năm 2010, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng khu đô thị mới Nam TPHCM đã quyết định xây dựng khu tái định cư Hiệp Phước 1. Dự án do Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) làm chủ đầu tư, với diện tích trên 29ha. Cùng với hệ thống hạ tầng đường, điện, nước là các công trình phúc lợi phục vụ cư dân như khu hành chính, y tế, trường mầm non, thương mại dịch vụ.
Thế nhưng, sau nhiều năm triển khai, khu dân cư mới vẫn là bãi đất rộng, cây cỏ dại mọc um tùm. Đến nay, chỉ mới có 8 hộ (trong số hàng trăm hộ diện tái định cư xây dựng nhà ở tại khu tái định cư Hiệp Phước 1) nhận nền đất xây dựng nhà; đường sá đã dần xuống cấp.
Khu tái định cư không có người ở, được tận dụng làm nơi chăn thả trâu
Theo con đường nhỏ, nhiều đoạn đã bị sụt lún, vào khu tái định cư, qua những bãi cỏ cây dại cao quá đầu người, giữa đồng không mông quạnh chỉ thấy có 8 căn nhà.
Trong căn nhà chưa có số, bà Nguyễn Kim Đông than: “Để xây dựng được căn nhà cấp 4, gia đình tôi phải vay mượn nhiều nơi. Làm nhà đã khó, để sống được ở khu này cũng không dễ. Nơi đây chưa có nước sinh hoạt, phải mua nước do xe bồn chở đến. Mà nước xe bồn bán cũng chỉ có thể dùng để tắm giặt, còn ăn uống phải mua nước bình. Cuộc sống ở khu tái định cư này quá khó khăn, nên nhiều người đã nhận nền mà không dám xây nhà, vẫn ở phòng trọ. Không ít gia đình đã bán nền ở đây, đi mua đất tại khu dân cư khác làm nhà ở”.
Ông Lê Văn Nam bức xúc: “Chủ đầu tư đã thất hứa. Khi làm thủ tục tháo dỡ nhà, bàn giao mặt bằng, họ cam kết hạ tầng khu tái định cư hoàn thiện, chất lượng tốt. Nhưng lúc nhận nền, người dân quá thất vọng do chất lượng hạ tầng kém, chưa thể ở. Chủ đầu tư chỉ đổ đất làm đường, còn hầu như toàn bộ nền nhà vẫn là đất ruộng, cốt nền thấp gần 1m so với mặt đường. Chỉ riêng tiền đổ đất làm nền nhà bằng mặt đường, mỗi gia đình phải chi cả trăm triệu đồng”.
Còn quá nhiều việc phải làm
Theo IPC hứa hẹn, dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư Hiệp Phước 1 có quy mô 9.800 dân, với kinh phí đầu tư trên 397 tỷ đồng. Mục tiêu để người dân được hưởng tiện ích công cộng của một khu dân cư tiên tiến. Thế nhưng, trên thực tế lại khác xa. Điều khiến những người đã xây nhà trong khu tái định cư này lo lắng là ngập nước. Khu tái định cư nằm trong vùng thấp trũng. Cốt nền đường ở đây thấp so với mực nước khi triều cường. Cư dân đã xin được nâng nền nhà lên 1m so với nền đất hiện hữu nhưng cơ quan quản lý không cho phép. Nguy cơ ngập nước sẽ khó tránh khỏi khi đưa vào sử dụng.
Việc làm, thu nhập của người dân khi vào ở khu tái định cư cũng gặp nhiều khó khăn. Những gia đình vốn làm nông, khi đến nơi ở mới lại không có đất canh tác. Một số gia đình chuyển sang buôn bán nhỏ, nhưng rồi cũng phải bỏ nghề vì có quá ít người vào ở, nên không thể bán cho ai.
Bà Nguyễn Kim Đông cho biết, có hộ vào ở trong khu tái định cư đã xin phép xây dựng nhà trọ kiếm thêm thu nhập, nhưng cơ quan quản lý chỉ cho phép người dân xây dựng nhà ở, nhà tầng chứ tuyệt đối không cho xây phòng trọ. Để người dân có thể an cư lạc nghiệp ở khu tái định cư này, còn quá nhiều việc phải làm. Chủ đầu tư phải sớm hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng, nâng cấp sửa chữa các hạng mục bị hư hỏng và xây dựng những công trình phúc lợi. Những chính sách, quy định trong lĩnh vực xây dựng đối với khu tái định cư cũng cần linh hoạt hơn.
Ông Đỗ Minh Toàn, Chủ tịch UBND xã Hiệp Phước, xác nhận: “Cách làm của IPC thời gian qua đã ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Chính quyền địa phương nhiều lần yêu cầu IPC xây dựng khu dân cư để bố trí tái định cư. Nhưng khi khu tái định cư hình thành, người dân cũng chưa thể chuyển đến ở, vì chất lượng hạ tầng và điều kiện sống chưa đảm bảo. Thực trạng này sẽ ảnh hưởng đến việc vận động người dân di dời trong giai đoạn tới, chắc chắn gặp nhiều khó khăn”.
Trong thời gian tới, không chỉ dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước 2 mà còn nhiều dự án sẽ triển khai, số hộ cần tái định cư rất lớn. Chính vì thế, để người dân diện tái định cư sớm an cư lạc nghiệp, thì sự nỗ lực của chính quyền, cố gắng của người dân vẫn chưa đủ, mà IPC cần phải có ý thức và có trách nhiệm về sản phẩm của mình.