Ngày 26-7, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (Ủy ban) của Quốc hội làm việc với Bộ GD-ĐT về kỳ thi THPT quốc gia 2019. Cuộc họp có sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục. Các thành viên của Ủy ban và nhiều chuyên gia giáo dục ghi nhận và đánh giá cao kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2019. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, kỳ thi năm nay được xã hội chấp nhận và đánh giá cao. Cả nước huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức kỳ thi THPT quốc gia 2019.
Ông Lê Mỹ Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), cho biết, đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức.
Tại cuộc họp, các ý kiến đều đánh giá kỳ thi năm nay đã khắc phục được một số nhược điểm của kỳ thi năm 2018; trong đó có các giải pháp chống tiêu cực, gian lận trong thi cử và khâu chấm thi. Nhất là các giải pháp kỹ thuật về công nghệ trong khâu chấm thi được đánh giá cao để ngăn ngừa tiêu cực. Bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban ghi nhận kỳ thi năm nay diễn ra nghiêm túc, an toàn và đến giờ phút này được dư luận xã hội chấp nhận. Kỳ thi đã khắc phục được sai sót của năm 2018 bằng các giải pháp phù hợp như sử dụng cán bộ giảng viên đại học vào khâu coi thi, chấm thi trắc nghiệm; đánh phách điện tử phiếu thi trắc nghiệm; đề thi năm nay đáp ứng hai mục tiêu và không có “sạn”. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh, kỳ thi THPT quốc gia 2019 vẫn bảo đảm mục tiêu là xét tốt nghiệp THPT nhưng cũng có căn cứ để các trường đại học, cao đẳng sử dụng tuyển sinh đại học. Kỳ thi cũng là cơ sở để điều chỉnh dạy học ở các trường phổ thông. “Không vì sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 ở một số địa phương mà thay đổi cả phương thức thi. Bộ GD-ĐT cố gắng duy trì phương thức thi, nhưng có thay đổi về mặt kỹ thuật, để kỳ thi được diễn ra công bằng, khách quan”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.