Ông Huỳnh Văn Hạnh cho rằng, Luật Công chứng ghi rõ, tổ chức cá nhân nào có hành vi gian dối khi công chứng giấy tờ tài sản thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, nhưng do quan điểm khác nhau giữa các cơ quan tiến hành tố tụng nên nhiều trường hợp quy hết trách nhiệm cho công chứng viên thì cũng chưa thuyết phục.
Vừa qua, TPHCM mới chỉ ủy quyền cho quận, huyện kiểm tra các tổ chức hành nghề luật sư trong nước, ông Hạnh cho biết nếu thuận lợi sẽ ủy quyền các hoạt động tư pháp khác.
“Tôi nghĩ với sự tham gia của nhiều hệ thống "chân rết", từ TP xuống đến quận, huyện, phường, xã, nếu phối hợp tốt thì không riêng giấy tờ giả, mà các vấn nạn khác cũng sẽ được hạn chế đến mức thấp nhất, hạn chế được thiệt hại thêm cho người dân”, ông Hạnh nói.
Liên quan đến việc này, Trưởng phòng Công chứng số 7 Hoàng Mạnh Thắng cũng nhận định, giả mạo trong hoạt động công chứng ngày càng tinh vi, với nhiều thủ đoạn mới hơn. Trước đây, chỉ là tráo giấy chứng nhận giả thành thật, giả mạo người, còn hiện giờ, băng nhóm liên thủ với nhau, sử dụng giấy thật hoặc bằng cách nào chiếm giấy thật để thực hiện giao dịch.
Ông Nguyễn Trí Hòa, Trưởng phòng Công chứng số 1 cho biết, có trường hợp công chứng giả bị phát hiện ở nơi này thì mang đi nơi khác, có trường hợp chạy hơn chục nơi ở TPHCM không công chứng được thì chạy về Bình Dương.
Theo ông Hòa, việc làm giả giấy tờ hết sức tinh vi, nên nhiều trường hợp công chứng viên đã làm hết sức mà vẫn không thể phát hiện ra. “Nếu có lỗi thì bị xử lý, chúng tôi không có ý kiến gì. Nhưng trong những trường hợp đã làm hết sức, tôi nghĩ rằng quy hết trách nhiệm cho công chứng viên là không nên”, ông Hòa nói.