Ngoại trưởng Marcelo Ebrard cho biết Mexico cũng sẽ đưa ra một chương trình tạo việc làm và bảo vệ quyền con người đối với những người di cư trong quá trình đợi xét duyệt đơn xin tị nạn tại Mỹ.
Kế hoạch trên nằm trong thỏa thuận về vấn đề người di cư mà Mexico và Mỹ đạt được hôm 6-6. Ngay sau đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố đình chỉ vô thời hạn kế hoạch áp thuế bổ sung nhằm vào hàng hóa Mexico, theo đó nếu Mexico không đưa ra được các biện pháp mạnh tay ngăn chặn dòng người di cư tới Mỹ, từ ngày 10-6, Mỹ sẽ áp thuế 5% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và mức thuế này sẽ tăng lên tới 25% vào tháng 10. Hai bên cũng đồng ý có thể thực hiện nhiều hành động mạnh hơn nếu trong vòng 90 ngày, các biện pháp không mang lại kết quả mong muốn là giảm mạnh số lượng người di cư không có giấy tờ đến biên giới Mỹ.
Như vậy, cùng với kế hoạch ngăn chặn di dân được đánh giá là “chưa từng có” trên, Mexico đã tránh được cuộc đối đầu thuế quan với Mỹ. Tuy nhiên, việc chấp nhận nhượng bộ này có thực sự tốt cho cả hai bên? Reuters dẫn lời cựu giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới Pascal Lamy gọi cách tiếp cận của ông Trump là ép buộc hàng xóm và “giữ con tin”. Còn cựu Tổng thống Mexico Vicente Fox thì cho rằng chính phủ của Tổng thống Andres Manuel Lopez Obrador đã bị Mỹ điều khiển. Chính trị gia Angel Avila gọi thỏa thuận này là “sự đầu hàng” và không nên “quân sự hóa biên giới phía Nam”.
Thực tế, quy mô của cuộc khủng hoảng nhập cư hiện nay là mối đe dọa đối với chính Mexico và nước này cần hành động gấp để giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nói như ông Francisco Labastida, cựu ứng viên tổng thống, “Mexico sẽ phải thay đổi chính sách di cư vì lý do riêng liên quan tới an ninh quốc gia”.
Xét về mặt tích cực, thỏa thuận này là phù hợp để tránh việc cả hai bị cuốn vào vòng xoáy ăn miếng trả miếng của một cuộc chiến thương mại, nhưng nó sẽ khiến Mexico bị áp lực hơn nữa. Ông Carlos Pascual, cựu đại sứ Mỹ tại Mexico, khẳng định: “Mexico yếu về kinh tế và sẽ luôn dễ bị tổn thương nếu Mỹ sẵn sàng sử dụng chính sách kinh tế để thực thi chính sách an ninh quốc gia”. Thậm chí, ông này còn ví thỏa thuận trên không khác gì lưỡi gươm lơ lửng trên đầu Tổng thống Lopez Obrador.
Cho đến lúc này, “thuế” là quân bài được Tổng thống Donald Trump áp dụng triệt để nhằm đối phó với các nước trong cuộc chiến thương mại và củng cố chính sách “Nước Mỹ trên hết”. Nay Tổng thống Donald Trump có vẻ cũng sẽ không ngần ngại dùng quân bài “người nhập cư Mexcico”, vốn đã được ông nhiều lần sử dụng kể từ khi khởi động chiến dịch tranh cử vào Nhà Trắng hồi năm 2015. Tất cả các dấu hiệu cho thấy ông Trump đang muốn tập trung vào vấn đề nhập cư và các rắc rối xuyên biên giới trong chiến dịch tranh cử nhiệm kỳ 2 của mình, sẽ chính thức khởi động ngày 18-6 tới. Vì vậy, thỏa thuận có lẽ chưa phải điểm dừng. Bức tường ngăn người nhập cư cũng tạm thời không bị nhắc tới. Nhưng Tổng thống Mỹ sẽ tiếp tục với nhiều đe dọa hơn, nhiều yêu cầu và các dòng tweet của ông Trump chống lại Mexico sẽ tiếp tục để đạt được những nhượng bộ lớn hơn.