Chưa nói đến sóng thần

Ngày 13-10 hàng năm đã được Đại hội đồng Liên hiệp quốc chọn là Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai và chủ đề của năm 2018 được lựa chọn là “giảm thiểu thiệt hại kinh tế do thiên tai”.

Chủ đề này cũng là một trong 7 mục tiêu toàn cầu của “Khung hành động Sendai” mà Việt Nam đang nỗ lực để thực hiện.

Năm nay, thế giới kỷ niệm Ngày Quốc tế giảm nhẹ thiên tai trong bối cảnh một trận sóng thần kinh khủng như “ngày tận thế” vừa giáng lên đất nước Indonesia.

Theo các nguồn tin, đến thời điểm này, thảm họa kép động đất - sóng thần đã làm gần 2.000 người dân Indonesia thiệt mạng. Có thông tin cho rằng, còn khoảng 5.000 người khác đang bị mất tích song giới chức Indonesia vẫn chưa thể xác minh.

Sự cố này cũng làm người dân Việt Nam không khỏi quan ngại với câu hỏi: Liệu ở biển Đông của chúng ta có sóng thần hay không, chúng ta sẽ ứng phó như thế nào với một đợt sóng thần lớn như vậy?


Theo các chuyên gia về dự báo khí tượng thủy văn và động đất - sóng thần, trong lịch sử chưa từng ghi nhận có sóng thần ở biển Đông, nhưng dải đất hình chữ “S” từ lâu đã được coi là “rốn bão” của thế giới. Mỗi năm, Việt Nam đón nhận trung bình tới 10-12 cơn bão, thậm chí như năm 2017 có tới 20 cơn bão và áp thấp nhiệt đới. Trên đất liền, thực tế chúng ta đã gặp các trận động đất làm hỏng công trình, nhà cửa. Cho đến nay, ứng phó với các cơn bão thì chúng ta có nhiều kinh nghiệm, nhưng ứng phó với siêu bão (cấp 16-17) và động đất, sóng thần thì chúng ta còn rất non kém. Chưa nói tới các cơn sóng thần, siêu bão mà chỉ cần một trận bão cấp 11-12, giật cấp 14-15 là người dân ta đã đối mặt với mất nhà cửa, thậm chí cả tính mạng, tái đói nghèo.

Liên hệ từ thảm họa sóng thần kinh hoàng tại Indonesia, chiều tối 12-10, Tổng cục Phòng chống thiên tai có thông tin gửi báo giới đề nghị tăng cường cảnh báo, nâng cao nhận thức cho bà con trên cả nước về các thảm họa do thiên tai bão lũ, sóng thần gây ra.

Vấn đề mà Tổng cục Phòng chống thiên tai nêu ra là từ sự cố sóng thần, báo động nguy cơ mất an toàn của hệ thống đê điều ở nước ta trước thiên tai lũ, bão.

Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm nay, thiên tai ở nước ta đã làm 175 người chết và mất tích, ước tính thiệt hại 12.000 tỷ đồng (năm ngoái là 60.000 tỷ đồng).

Dẫn lại lịch sử các cơn bão, Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết, cơn bão số 7 năm 2005 (cấp 12) đổ bộ vào đồng bằng Bắc bộ đã làm vỡ hàng loạt tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thanh Hóa.

Cơn bão số 10 (năm 2017) làm chết 6 người, đổ sập 3.200 căn nhà, gần 200.000 nhà bị hư hỏng, thiệt hại 18.402 tỷ đồng; nước dâng, sóng lớn do bão gây ra làm hư hỏng nặng các tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên - Huế.

Năm ngoái, cơn bão số 12 đã làm 123 người chết và mất tích, đổ sập 3.550 căn nhà, gần 300.000 căn bị hư hỏng, phá hỏng 73.444 lồng bè nuôi trồng thủy sản... ở Trung bộ, thiệt hại 23.000 tỷ đồng.

Để che chắn bão lũ, hệ thống đê điều ở nước ta đã có cả chiều dài lịch sử được xây dựng và bảo vệ, có quy mô rất lớn, với tổng 9.300km, trong đó có gần 2.900km đê biển. Những năm qua, mặc dù hệ thống đê điều luôn được Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, sửa chữa và nâng cấp, song do chiều dài đê lớn, nguồn kinh phí có hạn nên hiện tại còn nhiều tuyến chưa đảm bảo an toàn trước thiên tai ngày càng cực đoan và khốc liệt.

Vì vậy, cùng với quy định trách nhiệm của các cơ quan quản lý, hỗ trợ bà con thay đổi nhận thức, nêu cao tinh thần cảnh giác với thiên tai thảm họa..., thì phải từng bước củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống đê điều, đáp ứng yêu cầu chịu được lũ lớn, dài ngày và các công trình giúp giảm thiểu tác động do thiên tai gây ra. Nâng cao năng lực cảnh báo mưa lũ để chủ động vận hành hệ thống hồ chứa cắt lũ, đảm bảo an toàn cho đê điều vùng hạ du. Các nhà máy thủy điện lớn phải đặt yêu cầu đảm bảo an toàn hồ chứa lên hàng đầu; đảm bảo hài hòa giữa lợi ích phát điện với việc cắt lũ, xả lũ.

Trước mắt cần nhanh chóng xử lý các trọng điểm về đê, kè, cống đang có sự cố, không để xảy ra vỡ đê đột ngột. Bởi vì chưa nói đến sóng thần, chỉ vỡ đê cũng để lại những hậu họa khó lường.

Tin cùng chuyên mục