Tiếp đó là Ấn Độ với gần 34 triệu ca mắc và 450.621 ca tử vong. Thống kê của Bloomberg về độ phủ vaccine toàn cầu cho thấy đã có hơn 6,48 tỷ liều vaccine được tiêm tại 184 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trung bình có 27,7 triệu liều vaccine được tiêm mỗi ngày và nếu duy trì mức tiêm này thì 6 tháng nữa, 75% dân số toàn cầu sẽ được tiêm chủng đầy đủ. Bloomberg nhấn mạnh tổng số 6,48 tỷ liều trên tiêm cho 42,2% dân số thế giới, song vẫn tồn tại khoảng cách lớn về phân bổ vaccine giữa các nước giàu và các nước nghèo.
Tuy nhiên, một hệ quả khác của đại dịch khiến Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đưa ra cảnh báo mới nhất trong báo cáo mang tên Bản đồ sức khỏe tâm thần. Theo đó, sang chấn tâm lý hậu đại dịch đã, đang và sẽ “lâu dài và sâu rộng”.
Tại Mỹ, khoảng 40% số người trưởng thành đã báo cáo các triệu chứng lo âu hoặc trầm cảm trong thời gian xảy ra dịch bệnh, tăng so với tỷ lệ 10% từ trước khi đại dịch bùng phát.
Tương tự, kết quả một cuộc khảo sát ở Australia, được thực hiện trong thời gian nước này siết chặt các biện pháp phòng dịch từ tháng 3-2020 đến giữa tháng 6-2021, cho thấy 20% số người được hỏi thừa nhận họ ngày càng lo âu về dịch Covid-19, trong đó chiếm phần lớn là nhóm đối tượng có độ tuổi trẻ hơn, là nữ giới, gặp phải biến động do dịch bệnh như công việc, tài chính bị cắt giảm.
Tại Anh, tỷ lệ người rơi vào trạng thái trầm cảm đã tăng từ 10% lên 19%. Đặc biệt, những đối tượng yếu thế, người có trình độ học vấn thấp, phụ nữ, người già, trẻ em… dễ bị tác động tâm lý hơn, do đó dễ mắc các rối loạn về tâm thần.
Nhân Ngày Sức khỏe tâm thần thế giới 10-10 năm nay, WHO đã lấy chủ đề “Chăm sóc sức khỏe tâm thần cho tất cả mọi người: Hãy biến nó thành hiện thực”, kêu gọi củng cố các dịch vụ sức khỏe tâm thần nói chung và cải thiện khả năng tiếp cận với chăm sóc sức khỏe tâm thần thông qua công nghệ. Giới chuyên gia cũng đã chia sẻ những biện pháp giúp giải tỏa tâm trạng lo âu, căng thẳng trong đại dịch…