Nhiều cách nâng đỡ tâm lý
Hai tuần đầu xuất viện về nhà sau khi có kết quả âm tính với Covid-19, anh N.Đ.T. (35 tuổi, ngụ phường Linh Trung, TP Thủ Đức) vẫn bị hành hạ bởi những cơn ho, nhói đau lồng ngực bất chợt kéo dài 20-30 phút, thở ran như tiếng máy kêu. Thêm nữa, những cơn mất ngủ triền miên cùng hàng loạt cơn tê tay tìm đến, ngày một lan rộng, từ các ngón tay tới bàn tay rồi cả cánh tay… khiến anh T. khó chịu. Còn chị V.T.L. (41 tuổi, ngụ quận 10) tâm sự: “Gia đình tôi có 10 người mắc Covid-19, đa số thành viên trong gia đình gặp khó khăn, không sinh hoạt dễ dàng như trước khi mắc bệnh. Riêng tôi, cơ thể có sa sút, thiếu năng lượng. Các triệu chứng mất ngủ hay các cơn hì hục thở… khiến tôi hay căng thẳng”.
Theo thống kê của Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức), mọi lứa tuổi đều có thể bị tác động hậu Covid-19, thường gặp nhất ở nam giới từ 30 tuổi và nữ giới từ 35 tuổi trở lên. Các triệu chứng người khỏi Covid-19 dễ mắc phải là mệt mỏi (80%), trầm cảm (66%), xơ phổi (61%), mất ngủ (45%), nhức đầu (44%), rối loạn tập trung (27%), rụng tóc (25%)… có xu hướng kéo dài hơn 4 tuần, thậm chí nhiều tháng.
BS-CKII Nguyễn Thanh Sang, Giám đốc Trung tâm Phục hồi chức năng vật lý trị liệu hậu Covid-19, Bệnh viện Lê Văn Thịnh, cho biết, qua thăm khám thì thấy hầu hết người bệnh bị sang chấn tâm lý. Bệnh viện phối hợp với chuyên gia tâm lý đến từ Trường Đại học Sư phạm TPHCM để nâng đỡ tâm lý các bệnh nhân nặng bằng nhiều cách: từ cho ngồi vẽ tranh, đến viết nhật ký theo những điều họ suy nghĩ, giúp tập trung luồng tư duy đi theo một vấn đề nhất định, thay vì miên man như trước. Tâm lý được tháo gỡ, người bệnh được chuyển qua khu vật lý trị liệu với các bài tập thở, tập vận động, xoa bóp… “Qua một tuần tích cực điều trị tại trung tâm, hầu hết các bệnh nhân đều đã tươi tỉnh, vận động vững chắc hơn, không còn mất ngủ triền miên”, BS Sang thông tin.
Duy trì sức khỏe
BS-CKII Hoàng Ngọc Vân, Trưởng khoa Hồi sức và Phục hồi chức năng sau Covid-19 Bệnh viện Thống Nhất, chia sẻ, thời gian qua khoa ghi nhận phần lớn bệnh nhân khỏi Covid-19 bị tổn thương chức năng hô hấp. Để điều trị cho nhóm bệnh nhân này, Bệnh viện Thống Nhất chủ yếu cho dùng thuốc kháng sinh nếu phổi bị viêm và hướng dẫn họ các bài tập vật lý trị liệu hô hấp. Người bệnh cũng được hướng dẫn cần có ít nhất 30 phút/ngày tiếp xúc với ánh nắng mặt trời (có thể vào buổi sáng sớm hoặc buổi chiều, chia thành 3-4 lần, mỗi lần 5-10 phút), việc này giúp điều hòa nhịp sinh học của cơ thể.
Với người cao tuổi, việc được trò chuyện cùng người thân trong gia đình và được người thân động viên sẽ giúp họ giảm sự lo lắng, kích thích hoạt động não sau khi khỏi bệnh rất tốt. Các thành viên trong gia đình nên khuyến khích người khỏi bệnh tham gia các hoạt động tinh thần như đọc sách, báo, tham gia bàn luận về một chủ đề tích cực nào đó nhằm góp phần đáng kể cho phục hồi sức khỏe.
BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TPHCM), cho rằng, về mặt y khoa, các triệu chứng của hậu Covid-19 diễn ra khi cơ thể không còn virus, chỉ còn kháng nguyên và kháng nguyên này đang từ từ được đẩy ra khỏi cơ thể. Vì vậy, người khỏi bệnh nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như ho, khó thở, đau tức ngực... thì cần lập tức đo huyết áp, đo nồng độ oxy trong máu. Nếu nồng độ oxy trong máu thấp hơn 94%, cần liên hệ cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời. Người bệnh cũng đừng cố vận động mạnh, chạy nhảy, leo cầu thang để xem tim, phổi mình có khỏe hay không. Các triệu chứng của hậu Covid-19 sẽ dần thuyên giảm khi người bệnh tuân thủ đúng hướng dẫn của thầy thuốc.