Không ít người đã thốt lên: Giá như chính quyền địa phương, ngành PCCC làm hết trách nhiệm, xử lý nghiêm vi phạm, yêu cầu chủ đầu tư khắc phục hệ thống PCCC bị tê liệt ngay thời điểm chung cư mới vận hành, có lẽ cháy lớn đã không xảy ra.
Nếu chủ đầu tư, ban quản lý, lực lượng PCCC tại chỗ sâu sát, quan tâm hơn đến PCCC, hẳn “vật kê tử thần” được phát hiện, tháo gỡ kịp thời và sẽ không có nạn nhân chết ngạt? Và giá như cư dân chung cư Carina Plaza được phổ biến, tập huấn đầy đủ kiến thức PCCC, đặc biệt là tình huống thoát nạn, có lẽ những cái chết oan uổng khi đu dây từ trên cao xuống đất sẽ không nhiều đến vậy!
Hàng loạt câu oán thán “Giá mà… Nếu như…” được người dân nhắc đi nhắc lại trong các cuộc tiếp xúc cử tri, họp tổng kết, sơ kết, giải trình về PCCC tại TPHCM gần đây khiến người nghe xé lòng.
Ngay sau vụ cháy này xảy ra, từ giữa năm 2018, Bộ Công an đã mở đợt tổng kiểm tra các chung cư vi phạm PCCC trên cả nước; đồng thời cho biết sẽ xử lý kiên quyết, triệt để các chủ đầu tư cố tình vi phạm, để tồn tại kéo dài.
Tại TPHCM, chính quyền thành phố yêu cầu các sở ngành, quận huyện phối hợp chặt chẽ cùng lực lượng cảnh sát PCCC để có giải pháp phòng ngừa hiệu quả, khắc phục ngay các tồn tại; tăng cường các phương án xử lý hiệu quả khi sự cố cháy nổ xảy ra ở chung cư, nhất là các chung cư cũ, chung cư xây dựng trước khi có Luật PCCC.
Triển khai là vậy, song thực tế đến nay ở TPHCM, vi phạm vẫn xuất hiện nhan nhản tại các chung cư, có chung cư tồn tại cả những lỗi rất nghiêm trọng như: chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở, hệ thống PCCC tự động bị tê liệt, không có đường để xe chữa cháy vào…
Đáng lo ngại nhất, đối với 474 chung cư cũ, hầu hết đều không đảm bảo an toàn cháy nổ. Hậu quả tất yếu là cháy chung cư vẫn liên tục xảy ra trong thời gian gần đây.
Thực tế trên cho thấy công tác quản lý nhà nước về PCCC ở TPHCM còn nhiều bất cập, các giải pháp phòng ngừa chưa được triển khai hiệu quả. Dẫn đến thực tế này, phần lớn do chủ đầu tư vì lợi ích riêng, bất chấp mạng sống cư dân, luôn tìm cách lách luật, né tránh đầu tư hệ thống PCCC.
Trong khi đó, chính quyền, ngành chức năng nhiều nơi lại không làm hết trách nhiệm, buông lỏng giám sát, kiểm tra, thiếu quyết liệt trong xử lý vi phạm; thậm chí có dấu hiệu tiếp tay, làm lơ cho vi phạm tồn tại khi chỉ xử lỗi nhẹ, bỏ qua lỗi nghiêm trọng.
Có thể thấy rõ điều này qua việc xử lý chủ đầu tư chung cư Nguyễn Quyền (quận Bình Tân). Chỉ mỗi lỗi “chưa nghiệm thu PCCC đã đưa dân vào ở” nhưng gần chục năm qua, chính quyền và ngành chức năng từ quận đến thành phố vẫn chưa xử lý dứt điểm trường hợp này, hiện vi phạm vẫn tồn tại, chủ đầu tư vẫn nhởn nhơ, còn người dân phải sống trong thấp thỏm, lo âu cháy nổ.